Thử nghiệm kẹo dẻo và bài học về "khổ trước, sướng sau" ai cũng nên biết
Thí nghiệm kẹo dẻo nổi tiếng trong lịch sử tâm lý học đến nay vẫn còn là một chủ đề bàn luận sôi nổi về ý nghĩa ẩn sâu bên trong bí quyết thành công.
Thí nghiệm kẹo dẻo (marshmallow từ nửa thế kỉ trước
Tiến sĩ tâm lý học Walter Mischel, trường đại học Stanford, Mỹ đã tiến hành một thí nghiệm rất nổi tiếng có tên “Bài kiểm tra kẹo dẻo” (Marshmallow Test) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thí nghiệm này rất đơn giản: những đứa trẻ trong độ tuổi mầm non sẽ được đưa vào ngồi trong căn phòng trống và lựa chọn 1 trong 2 khả năng. Với một viên kẹo dẻo, trẻ có thể chọn ăn ngay, hoặc chờ đợi trong 15 phút và phần thưởng sẽ là viên kẹo thứ 2.
Các bé đã trải qua quá trình “giằng xé nội tâm” giữa việc ăn hay không ăn, có bé quyết định ăn ngay, có bé kiên nhẫn chờ đợi với cái nhìn “day dứt”, có bé vò đầu bứt tai, có bé quay mặt đi nơi khác, chỉ dám cầm lên rồi lại bỏ xuống, có bé không kìm lòng được bèn véo một miếng nhỏ… Thí nghiệm tuy đơn giản nhưng đã phần nào cho thấy tính cách cũng như khả năng kiềm chế, kiểm soát bản thân của mỗi bé.
Theo kết quả của nghiên cứu này, trong 600 trẻ tham gia, một số ít trẻ chọn cách ăn ngay, rất ít trẻ có thể để nguyên viên kẹo trong suốt 15 phút, 1/3 trẻ được nhận thêm viên kẹo thứ 2. Trong quá trình nghiên cứu xuyên suốt 50 năm, Mischel tiết lộ những kết quả nghiên cứu sâu hơn của cuộc thí nghiệm trong cuốn sách “Bài kiểm tra kẹo dẻo” (The marshmallow test: Mastering self-control), những đứa trẻ có thể nhận được viên kẹo thứ 2 có điểm thi SAT cao hơn, tỉ lệ nghiện ngập thấp hơn, ly hôn thấp hơn, béo phì thấp hơn… Đó cũng là những người thành công hơn trong cuộc sống.
Thông điệp rất rõ ràng: trì hoãn cảm giác thỏa mãn là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công. Điều này khuyến khích các giáo viên và các bậc cha mẹ trên khắp nước Mỹ mặc những chiếc áo in dòng chữ “Đừng Ăn Kẹo Marshmallow.” Nhưng những bằng chứng mới cho thấy ta đã hiểu sai vấn đề.
Mặt trái của kẹo marshmallow
Trong một chuỗi gồm 5 nghiên cứu được công bố gần đây trong Personality and Social Psychology Bulletin, các nhà nghiên cứu Kaitlin Wooley và Ayelet Fishbach ở Trường Kinh doanh của Đại học Chicago phát hiện ra rằng: so với các phần thưởng được kỳ vọng, việc trải nghiệm phần thưởng trước mắt – ví dụ như thưởng thức hương vị của một món ăn tốt cho sức khỏe – dự đoán tốt hơn về mức độ bền bỉ của một người trong các mục tiêu như tập thể dục nhiều hơn, học lâu hơn, ăn uống lành mạnh hơn, kiên trì thực hiện mục tiêu năm mới hay duy trì sự thay đổi lối sống.
Những mong muốn dài hạn như lọt vào danh sách top những người đứng đầu hay được thăng chức có thể tiếp thêm cho ta động lực để cố gắng và lập ra những mục tiêu ban đầu để hướng đến mục tiêu dài hạn. Nhưng sau khi xác định được mục tiêu trong tương lai, việc nhắc nhở bản thân về những mong muốn đó lại kém hiệu quả trong việc giúp ta có động lực cưỡng lại cám dỗ trong nhiều tháng hay nhiều tuần – một điều cần thiết để đạt được mục tiêu.
Các nghiên cứu của Đại học Chicago đã chỉ ra những người thành công khi thử sức ở những lĩnh vực mới không giỏi trì hoãn cảm xúc ham muốn, và thay vì thế họ tiếp tục tìm những cách khác cho tới khi đạt được những mục tiêu lớn hơn để làm thỏa mãn bản thân.
Những sinh viên quyết tâm nhất không phải là những người liên tục hy sinh cảm giác thỏa mãn bằng cách tưởng tượng ngày mà họ cuối cùng cũng trở thành nhân viên ngân hàng đầu tư. Họ chính là những sinh viên tập trung vào cảm giác thỏa mãn sau mỗi lần tích lũy được kiến thức mới, hay cảm giác tự hào mỗi khi giở sách chứ không phải khui bia ăn mừng đợi đến ngày nhận việc.
Bằng cách lập ra và đạt được những mục tiêu nhỏ ngắn hạn, ta có thể tận dụng cảm giác thỏa mãn tức thì và liên tục – điều cần thiết để duy trì động lực cho mục tiêu dài hạn. Trong khoa học về sự thỏa mãn, tận hưởng quá trình thật sự quan trọng hơn hình dung về đích đến.
Vậy nghĩ lại, chẳng phải đây mới chính là điều mà Walter Mischel đã thật sự phát hiện ra sao?
Bài học thực tế
Những đứa trẻ thành công vượt qua bài kiểm tra kẹo marshmallow trong nghiên cứu của Mischel là những đứa trẻ làm bản thân phân tâm khỏi món kẹo hấp dẫn ngay trước mắt. Nhiều em hát thầm một bài hay nghĩ tới một trò chơi trong đầu để quên đi viên kẹo trước mắt. Điều các em không làm chính là ngồi đó và nhìn chằm chằm vào viên kẹo, hay cố gắng dùng đến khả năng tự kiểm soát hay kỷ luật cá nhân một cách vô ích.
Vì vậy ta cần phải hỏi bản thân: Liệu “trì hoãn cảm giác thỏa mãn” có thật sự là điều mà những đứa trẻ thành công đã làm không, hay các em chỉ thay thế nguồn đem lại cảm giác thỏa mãn – chuyển sự tập trung từ thứ mang đến sự thỏa mãn trong tương lai (có thêm nhiều kẹo) sang thứ làm các em thỏa mãn lập tức ở hiện tại (hát và chơi)?
Khi nói rằng những đứa trẻ và người lớn thành công đã “trì hoãn cảm giác thỏa mãn” tức là ta đã không hiểu đúng vấn đề.
Tập trung vào việc “không ăn kẹo marshmallow” ngụ ý rằng người thành công là người giỏi chịu đựng khó khăn vất vả để theo đuổi một lợi ích mà kì vọng nhận được. Trong suốt quá trình ấy, họ mặc kệ mọi yếu tố đem lại cảm giác thỏa mãn trong cuộc sống.
Khi áp dụng lối tư duy này lên con cái, nhân viên hay bản thân mình, ta xem cuộc sống là lựa chọn giữa đau khổ ở hiện tại, thành công ở tương lai hoặc tận hưởng hiện tại dù phải hy sinh tương lai.
Chắc chắn không ít người được khuyên lựa chọn nên tận hưởng hiện tại trước để khỏi phải hối hận trong tương lai. Lối tư duy “khổ trước sướng sau” cũng không hẳn là một chọn hoàn hảo.
Bí quyết thành công trong bài kiểm tra kẹo marshmallow của cuộc đời và sự nghiệp không phải là trì hoãn cảm giác thỏa mãn, mà là khám phá cảm giác thỏa mãn trong mọi tình huống. Bí quyết chính là hãy tận dụng khả năng vô hạn của trí não con người: khả năng tìm kiếm và tập trung vào những nguồn mang lại cảm giác thỏa mãn nho nhỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
*Theo tamly.blog