Thứ gì lây lan nhanh và nguy hiểm hơn cả virus corona ở Mỹ? Chính là nạn tấn công chủng tộc với toàn bộ người châu Á
Dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra, nước Mỹ mới chỉ 15 trường hợp được xác nhận dương tính cho đến thời điểm hiện tại. Dẫu vậy, người châu Á tại Mỹ đang hứng chịu một vấn nạn nghiêm trọng hơn: phân biệt chủng tộc.
Ở giữa thành phố New York (N.Y), người đàn ông lao đến trước mặt một người phụ nữ đang đeo khẩu trang, miệng hét lên: "Con **** (văng tục) nhiễm bệnh."
Tại ga tàu điện ngầm ở Los Angeles (L.A), một người đàn ông khác nhắc đến người Trung Quốc bằng một vẻ mặt khinh miệt: "Mọi dịch bệnh từ trước đến nay, toàn ở Trung Quốc."
Đây là một thực tế đang diễn ra tại Mỹ. Những thông tin sai lệch cùng sự sợ hãi vì thiếu hiểu biết đang khiến nạn phân biệt chủng tộc và bài ngoại xuất hiện tràn lan, nhắm đến người Trung Quốc, và thậm chí là toàn bộ người châu Á sống tại Mỹ.
"Với các thông tin mới trên thế giới, chúng ta đang chứng kiến nỗi sợ gia tăng với bất kỳ ai trông giống người châu Á," - Rosalind Chou, giáo sư xã hội học từ ĐH Bang Georgia cho biết. "Thông tin là ảo, nhưng nhiều người thật đang bị ảnh hưởng."
Và sự ảnh hưởng ở đây thực sự đa dạng, từ xâm phạm thể xác đến tinh thần, cùng câu chuyện tài chính nữa. "Chúng tôi - cộng đồng người châu Á - đang là mục tiêu bị tấn công," - Tanny Jiraprapasuke, một người gốc Á sinh ra và lớn lên tại Los Angeles cho biết.
Từ cuộc tấn công tại L.A
Jiraprapasuke thậm chí còn chẳng phải người Trung Quốc. Cô là người gốc Thái Lan, nhưng điều đó không quan trọng. Nó không giúp cô thoát khỏi những cái nhìn giận dữ một hành khách đi tàu. Họ nhìn thẳng vào cô mà phỉ báng, thể hiện sự thù địch và khẳng định người Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho dịch bệnh đang lây lan.
Jiraprapasuke chia sẻ rằng ngày hôm ấy, người đàn ông miệng nói không ngừng trong suốt 10 phút, cử chỉ và ánh nhìn thì hướng thẳng vào cô. Mệt mỏi, khi người này quay sang "thuyết giảng" cho một hành khách khác, cô quyết định rút điện thoại ra ghi lại sự việc.
"Mọi dịch bệnh từ trước đến nay đều đến từ Trung Quốc, anh bạn à. Mọi thứ là do người Trung Quốc, vì đó là lũ người... (văng tục)," - gã đàn ông thao thao bất tuyệt.
"Họ có thể tỏ ra rất thông minh, kiểu: "Này, chúng tôi phát triển cái này, làm ra cái kia." Nhưng hóa ra chùi cái đống phế thải của chúng còn không xong."
Dạo một vòng internet, Jiraprapasuke nhận thấy rất nhiều người châu Á cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ bị quấy rối, thậm chí bị tấn công thể xác, chỉ vì nỗi sợ không thực sự đúng về virus corona chủng mới (Covid-19).
"Điều này giúp tôi nhận ra vấn đề thực sự lớn thế nào. Chuyện xảy ra với tôi không phải là duy nhất, và càng không phải trường hợp tệ nhất." - Jiraprapasuke chia sẻ.
Bị tấn công chỉ vì là người Trung Quốc
2/2/2020, cư dân mạng dậy sóng vì một vụ tấn công cá nhân ở một ga tàu điện ngầm khác tại thành phố New York. Nạn nhân là một người phụ nữ đang đeo khẩu trang - thứ vốn được người châu Á sử dụng từ rất lâu vì nhiều lý do - như chống ô nhiễm, trước cả khi dịch virus corona bùng nổ.
Theo nhân chứng kể lại, một gã đàn ông đã hét lên với cô: "Đồ **** (văng tục) nhiễm bệnh". Cô không phản ứng, chỉ đáp lại: "Đúng rồi, được chưa, tránh ra đi."
"Tôi bắt đầu rút điện thoại ra khi chứng kiến sự việc. Nhưng chưa kịp làm thì gã đã đánh vào đầu cô ấy." - nhân chứng chia sẻ. Cô bắt đầu ghi lại sự việc sau thời điểm đó. Đoạn video cho thấy kẻ tấn công chạy đi, người phụ nữ đuổi theo nhưng đột nhiên gã quay lại và đánh tiếp.
Người phụ nữ bị tấn công tại Mỹ chỉ vì là người Trung Quốc
Sở cảnh sát New York hiện đang kêu gọi nạn nhân đến trình báo, để được phép thực hiện điều tra toàn lực.
Nhân chứng cho biết, cuộc tấn công dù hết sức đáng sợ, nhưng ẩn sau đó là một vấn đề căng thẳng hơn. "Tôi tin rằng sự việc này sẽ làm nổ ra tranh luận về nạn phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc Á, liên quan đến virus corona chủng mới."
"Đó là một xu hướng đáng buồn, khi tôi phải chứng kiến sự phân biệt hầu như chỉ đến từ nỗi sợ thiếu hiểu biết,"
"Căng thẳng chủng tộc đang leo thang, và tôi nghĩ đây là lúc để các cơ quan chức năng phải hành động."
Những người châu Á bị quấy rối
Kao Lor và chú của mình là Lee Lor đến bang Indiana du lịch. Họ tới thành phố Plymouth, đặt một phòng tại khách sạn tên Super 8.
Nhưng đó là ý định của họ thôi, thực tế thì chẳng được vậy. Cả hai có gốc là người Mông Cổ, và đều nhận phải ánh nhìn đề phòng xen lẫn thù địch.
Trong đoạn video Kao Lor chia sẻ, nhân viên khách sạn đã hỏi rằng anh có phải người Trung Quốc hay không. "Nếu các anh đến từ Trung Quốc, chúng tôi cần phải biết," - nhân viên nói.
"Tại sao?" - Lor hỏi.
"Vì virus corona. Và tôi được dặn là bất kỳ ai đến từ Trung Quốc phải bị đưa đi cách ly trong 2 tuần," - người này đáp.
"Không tiếp người châu Á" - ảnh minh họa
Thông tin ấy dĩ nhiên là không chính xác. Thông báo đúng từ chính phủ Mỹ là các công dân Mỹ trở về từ Hồ Bắc (Trung Quốc) sẽ bị cách ly trong vòng 2 tuần khi nhập cảnh ở Hoa Kỳ.
Khi CNN liên hệ với nhà nghỉ, họ nhận được câu trả lời sau: "Những gì nhân viên nói không phải là quan điểm và chính sách của Super 8. Quản lý đang tiến hành xử lý nhân viên liên quan. Chúng tôi thực sự buồn và xấu hổ vì hành động của người này."
Nhưng đó không phải là khách sạn duy nhất đối xử với Lor như vậy. Khi cả 2 sang một khách sạn gần đó tên Days Inn, họ nhận được câu trả lời: "Người châu Á không được thuê".
Cả Days Inn và Super 8 đều là khách sạn được nhượng quyền từ tập đoàn Wyndham. Sau sự cố này, người phát ngôn của Wyndham lên tiếng: "Chúng tôi hiện đang gặp rắc rối vì một số sự việc, và tất cả đều không phản ánh quan điểm và giá trị của chúng tôi với khách hàng. Cả 2 địa điểm trên do tư nhân sở hữu và điều hành, và những "chính sách" được nêu trong video thực sự không tồn tại."
Thảm họa tài chính với các nhà hàng Trung Quốc
Từ khi dịch virus corona Covid-19 bùng nổ, các nhà hàng Trung Quốc tại Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm doanh thu đến thảm hại.
"Ngày thường, chúng tôi có khoảng 100 bàn đặt mỗi ngày," - trích lời David Zheng, nhân viên nhà hàng New Shanghai Deluxe tại khu phố người Hoa (Chinatown) của thành phố New York. Còn giờ thì "cả một ngày, chỉ có khoảng 20 - 30 bàn."
Những nhà hàng không một bóng người
Rose Wu, chủ sở hữu nhà hàng chia sẻ, New Shanghai Deluxe đã tồn tại ở thành phố này được 19 năm mà chưa bao giờ chứng kiến thảm họa tài chính nào như vậy. Họ đang mất 70% - 80% doanh thu.
"Chúng tôi có những bàn đặt trước vài tháng. Giờ hủy cả rồi," - Wu chia sẻ.
"Khách hàng gọi đến và nói: "Trung Quốc đại lục đang có dịch bệnh. Chúng tôi không ra ngoài nữa đâu."
"Nhà hàng tôi chẳng có ai nhiễm bệnh. Cả khu Chinatown cũng thế."
Mà thực ra, chẳng ai ở cả cái New York được chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới cả. Toàn nước Mỹ, mới chỉ có 15 trường hợp dương tính mà thôi.
Nỗi sợ đến từ đâu
Virus corona chủng mới (Covid-19) cho đến thời điểm hiện tại đã lây nhiễm cho hơn 75.000 người, và khiến 2249 người thiệt mạng. Nhưng xét về mặt số liệu, tỉ lệ tử vong này là thấp, thấp hơn rất nhiều so với cảm cúm thông thường. Để dễ so sánh thì mỗi năm, 290.000 - 650.000 người chết vì cảm cúm - số liệu từ Tổ chức y tế thế giới WHO.
Riêng tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết mỗi mùa cúm trôi qua (bắt đầu từ cuối tháng 9) có khoảng 12.000 người tử vong. Còn virus chủng mới thì sau trường hợp đầu tiên xác nhận trong tháng 1, mới có khoảng 15 người dương tính với virus cho đến thời điểm hiện tại, và chưa có trường hợp tử vong. Toàn bộ 15 trường hợp đều trở về từ Vũ Hán, hoặc lây qua người thân từ Trung Quốc trở về.
"Ở thời điểm hiện tại, virus KHÔNG lây lan trong cộng đồng tại Mỹ," - CDC nhấn mạnh như vậy. "Một người có thể nhiễm Covid-19 do tiếp xúc với vật thể có chứa virus rồi chạm tay lên mặt - mũi, mắt, mồm; nhưng đó không phải là con đường lây lan chính của virus."
Tham khảo: CNN