Thứ đang nuôi sống 1/2 "dân số lợn" toàn thế giới đang là loại hàng hóa HOT nhất ở Trung Quốc
Lượng giao dịch đậu tương, nguồn thức ăn chủ yếu cho chăn nuôi, tại sàn Đại Liên-Trung Quốc trong những phiên cao điểm còn cao hơn số lượng nước Mỹ tiêu thụ trong cả năm.
Bong bóng thị trường quặng sắt và sợi bông đã là quá khứ với Trung Quốc, giờ đây những nguyên liệu cho chăn nuôi bò, lợn và gà mới là kênh đầu tư đang được các nhà đầu cơ quan tâm tại quốc gia này.
Số lượng giao dịch đậu tương, một loại nguyên liệu chủ chốt cho thức ăn chăn nuôi đã tăng gấp 3 lần trên thị trường giao dịch hàng hóa kỳ hạn Đại Liên-Trung Quốc trong tháng 5/2016 so với cùng kỳ năm trước. Giá giao hàng hợp đồng 3 tháng của loại hàng hóa này đã tăng 40% trong năm nay.
Đại Liên là sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất Trung Quốc với 16 loại mặt hàng khác nhau, từ quặng sắt tới ngô và trứng. Hiện Đại Liên là sàn giao dịch hàng hóa lớn thứ 8 trên thế giới xét theo tổng khối lượng giao dịch.
Sản phẩm đậu tương đã được giao dịch tại Đại Liên từ năm 2000 và là mặt hàng nguyên liệu nông nghiệp được giao dịch nhiều nhất trên thế giới vào năm 2015 với hơn 300 triệu hợp đồng được thực hiện, theo số liệu của FIA.
Đây có lẽ là bóng bóng thị trường mới nhất tại Trung Quốc sau một loạt những đà tăng giá rồi đột ngột đi xuống của các thị trường như chứng khoán, quặng sắt hay sợi bông.
Lần này, việc nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc tăng mạnh đã khiến ngành chăn nuôi tại đây được hưởng lợi lớn, qua đó kích thích các nhà đầu cơ đổ tiền vào thức ăn chăn nuôi như đậu tương.
Hơn nữa, một số chuyên gia cho rằng việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý thị trường chứng khoán cũng như hoạt động đầu tư khiến những nhà đầu cơ chuyển hướng tìm kênh đầu tư mới, và đậu tương là đang trở thành mục tiêu mới của họ.
Hiện nay, mối quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp đang ngày một tăng tại Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng đậu tương và dầu cải.
Trong năm 2015, sàn giao dịch Đại Liên thậm chí đã có quyết định chiết khấu giá bán cho những hợp đồng giao ngay trong ngày đối với đậu tương nhằm thúc đẩy thị trường.
Riêng trong tháng 5/2016, tổng giá trị các hợp đồng giao dịch đậu tương kỳ hạn đã đạt 250 tỷ USD trên sàn Đại Liên. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, số tiền này tương ứng với 600 triệu tấn đậu tương và cao gấp 9 lần so với mức tiêu thụ bình quân của Trung Quốc mỗi năm.
Cá biệt vào những phiên cao điểm, sàn Đại Liên có tới 8,4 triệu hợp đồng kỳ hạn đậu tương được giao dịch, tương đương 42 triệu tấn đậu tương. Con số này cao hơn mức 162.000 hợp đồng trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, tương đương 15 triệu tấn đậu tương, và thậm chí cao hơn mức tiêu thụ 30 triệu tấn đậu tương của toàn nước Mỹ trong khoảng 2015-2016 (số liệu của Soybean Meal Info Center).
Dẫu vậy, Trung Quốc được ước tính sẽ chỉ tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn đậu tương trong năm 2015-2016.
Bên cạnh nhu cầu gia tăng đối với thịt lợn, thông tin sản lượng đậu tương tại Nam Mỹ suy giảm cũng khiến giao dịch mặt hàng này ngày càng nóng bỏng tại Trung Quốc. Trước tình hình đó, sàn giao dịch Đại Liên đã phải hủy bỏ quyết định chiết khấu giá cho những hợp đồng giao ngày trong ngày nhằm hạ nhiệt thị trường.
Tuy nhiên, các nhà đầu cơ vẫn không hề nao núng và tiếp tục tăng cường mua vào. Giá đậu tương giao trong tháng 9/2016 đã tăng 15% trong 6 phiên giao dịch tính đến ngày 2/6/2016.
Không giống với thị trường quặng sắt bị đầu cơ khi sản lượng thép dư thừa, thị trường đậu tương có sự hậu thuẫn của ngành chăn nuôi cũng như nhu cầu to lớn về thịt lợn ở Trung Quốc.
Bột đậu tương là loại thức ăn giàu protein cho gia súc và hiện Trung Quốc đang ngày càng sử dụng nhiều nguyên liệu này khi người dân tiêu thụ nhiều thịt hơn.
Tổng khối lượng giao dịch đậu tương bình quân trên sàn Đại Liên (xanh) và Chicago (trắng) (Triệu tấn)
Giá đậu tương (xanh) tăng cùng giá lớn (trắng). Lấy phiên 30/6/2011 là 100 đơn vị.
Giá sẽ còn tăng mạnh
Hiện nhiều thương lái đang lo lắng hiện tượng El Nino sẽ gây thiệt hại cho sản lượng đậu tương của Argentina, nhà sản xuất chủ chốt sản phẩm này trên thị trường, qua đó đẩy giá đậu tương trên toàn cầu tăng theo. Trong khi đó, hiện tượng hạn hán kéo dài tại Brazil cũng ảnh hưởng đến các trang trại trồng đậu tương ở đây.
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết nguồn dự trữ đậu tương trên toàn cầu có thể giảm 8,3% tính đến tháng 8/2017 do các yếu tố về thời tiết.
Tại Mỹ, giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago thậm chí còn tăng mạnh hơn cả Trung Quốc với mức tăng 55% từ đầu năm đến nay.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã có một số động thái nhằm hạ nhiệt thị trường, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng giá đậu tương sẽ còn tăng do nguồn cung bị hạn chế, trong khi nhu cầu thịt lợn đang thúc đẩy mạnh ngành chăn nuôi ở đây.