Thứ có 4000 độc chất, 50 chất gây ung thư: Nhiều người Việt biết tác hại nhưng vẫn dùng

01/06/2022 15:14 PM | Sống

Thuốc lá chứa tới hơn hơn 4000 độc chất hoá học nhưng rất nhiều người Việt vẫn đang hút thuốc như một thói quen khó bỏ.

Nhập viện do hút thuốc lá

Tác hại của thuốc lá đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo. Thế nhưng, nhiều người Việt dù biết hút thuốc lá có hại nhưng vẫn làm ngơ vì nghĩ "nhiều người hút không sao, mình cũng chẳng sao đâu". Suy nghĩ này đã khiến cho không ít người 'bào mòn' sức khỏe của mình từng ngày qua thói quen hút thuốc lá, trong đó có cả những người làm việc văn phòng.

Ví dụ như trường hợp của anh N.X.T (32 tuổi tại, Hà Nội), anh T đã nhập viện cấp cứu trong tình trạng tim ngừng đập. Rất may mắn, nhà anh T ở gần bệnh viện nên đã được cấp cứu kịp thời, bảo toàn được tính mạng.

Khi được hỏi có biết tác hại của thuốc lá hay không, anh T cho biết có biết tác hại của thuốc lá những nghĩ mình còn trẻ và thấy nhiều người xung quanh hút chẳng ai mắc bệnh gì. Cũng chính vì sự chủ quan đó, anh T duy trì thói quen hút thuốc, dẫn tới phải nhập viện cấp cứu.

Thứ có 4000 độc chất, 50 chất gây ung thư: Nhiều người Việt biết tác hại nhưng vẫn dùng - Ảnh 1.

Thuốc lá có nhiều độc chất ảnh hưởng tới sức khoẻ, ảnh minh hoạ.

Khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp mắc các bệnh hô hấp liên quan tới thuốc lá phải vào nhập viện điều trị.

Trong đó có trường hợp bệnh nhân có vấn đề hô hấp đã được bác sĩ điều trị ổn định và ngưng hút thuốc lá. Bệnh nhân ra viện thấy sức khỏe tốt, bệnh lý đã được kiểm soát nhưng thèm thuốc nên đã hút một điếu.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu giải phóng đường thở thành công, theo TS.BS Thái Thị Thùy Linh, Khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Nếu trường hợp này bệnh nhân ở xa không kịp tới viện để can thiệp thì có thể nguy kịch tới tính mạng, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Linh khuyến cáo thuốc lá có chứa trên 4000 độc chất hóa học và trên 50 chất gây ung thư. Những bệnh lý hô hấp hay gặp nhất khi hút thuốc lá là hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính.

Thuốc lá là chất gây nghiện, việc hút thuốc lá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh khuyến cáo hiện nay, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, shisha... được quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe như thuốc lá truyền thống.

Cai thuốc lá bằng cách nào?

TS.BS Thái Thị Thùy Linh cho hay có 2 biện pháp cai thuốc lá: dùng thuốc và không dùng thuốc. Hai biện pháp này bắt buộc phải đi song hành với nhau.

Với cai thuốc lá không cần dùng thuốc, bác sĩ phải tư vấn cho bệnh nhân vượt qua những rào cản mà sẽ xảy ra khi dừng hút thuốc. Khi cai thuốc lá, hội chứng cai thuốc lá sẽ xuất hiện, làm bệnh nhân khó chịu, ví dụ như tăng cân, thèm thuốc... Khi đó, nếu bệnh nhân gặp phải vấn đề tăng cân, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân ăn ít đi, hạn chế những món ăn có nhiều đường, chất béo,  hạn chế nước uống có gas, bia, rượu...

Bệnh nhân cần tăng cường vận động nhiều hơn khi cai thuốc, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, đi xe đạp hay chơi các môn thể thao để tiêu tốn năng lượng, hạn chế việc tăng cân.

Đối với người cai thuốc lá bị tăng huyết áp, thấy người bứt rứt, khó chịu, không tập trung, cáu gắt... đây là hội chứng thèm thuốc lá. Lúc đó, bác sĩ sẽ cung cấp thuốc cho bệnh nhân. Tùy từng tình trạng bệnh nhân hút thuốc lá ít hay nhiều bác sĩ sẽ dùng đơn trị liệu hay phối hợp thuốc với nhau.

"Cai thuốc lá thành công hay không phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ chiếm hơn một nửa trong thành công cai được thuốc lá, phần còn lại thuốc sẽ hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình cai thuốc lá", bác sĩ Linh nói.

Bác sĩ lưu ý thêm là khi bệnh nhân muốn cái thuốc lá, phải quyết tâm tránh xa môi trường khói thuốc lá để tránh bị tái hút thuốc.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM