Thống trị đầm lầy thu 2 triệu USD, ông chủ núi đồi giắt túi 30 tỷ

09/10/2019 14:01 PM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Hồng Cương, Nguyễn Thành Đông trở thành nông dân triệu USD, chị Duyên là nông dân giàu nhất vùng nhờ trồng rau xuất bán sang Nhật... Họ là những tấm gương vượt khó, tìm hướng đi riêng nên giàu có từ nông nghiệp.

Góp mặt trong Danh sách 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” đều là những nông dân điển hình, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực như: kinh doanh dịch và và trang trại, trồng trọt, xây dựng nông thôn mới, nuôi trồng thủy sản, trong sáng chế, giải pháp kỹ thuật nông nghiệp.

Trong số đó, có người thu nhập vài chục tỷ, tuy chưa phải là cao nhất, nhưng họ đều là những tấm gương vượt khó vươn lên và có tầm ảnh hưởng, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Vượt khó thành nhà nông triệu USD

Là một trong 63 nông dân xuất sắc năm 2019 với doanh thu lên tới 50 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Hồng Cương - người được mệnh danh là “vua tôm” trên đất Nghệ An, thật thà kể, trước kia ông vốn là một thợ may, phụ giúp mẹ và chị gái trồng lúa, nuôi hươu,...

Trong một chuyến đi vào vùng biển Khánh Hoà cùng mẹ mình, ông tận thấy mô hình nuôi tôm nơi đây và nhen nhóm ý định khởi nghiệp từ con tôm tại vùng đất Nghệ.

Để thực hiện được ước mơ làm giàu trên vùng đất sình lầy bằng con tôm, ông Cương mất thời gian khá dài đi khắp các vùng biển miền Trung học hỏi kinh nghiệm. Ông bắt đầu làm nghề dịch vụ đưa tôm sú từ các tỉnh Nam Trung Bộ ra các tỉnh miền Bắc tiêu thụ vừa để có thu nhập, vừa để hiểu hơn về con tôm.

Thống trị đầm lầy thu 2 triệu USD, ông chủ núi đồi giắt túi 30 tỷ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Cương trở thành nông dân triệu UDS nhờ con tôm (ảnh": Dân Việt)

Năm 1994, ông Cương quyết định thuê vùng đất sình lầy nhiễm mặn ở xã Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu, Nghệ An), thả những con tôm giống đầu tiên. Hơn chục năm sau, ông tiếp tục thuê đất đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năm 2010, sản lượng tôm ông thu hoạch được từ 3,5ha là 68 tấn, cho doanh thu 6,8 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông lãi hơn 1 tỷ đồng, trở thành nhà nông tỷ phú xứ Nghệ. Ông cũng bắt đầu sản xuất tôm giống để cung ứng ra thị trường phía Bắc.

Đến nay, tổng diện tích ao nuôi của gia đình ông đạt 19,5ha, trong đó diện tích nuôi tôm thương phẩm là 18ha cho năng suất 250 tấn/năm; diện tích ao nuôi tôm giống là 1,5ha cung cấp 300 triệu con/năm. Tổng doanh thu hàng năm của ông Cương là 50 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 9 tỷ đồng.

Ngoài nuôi tôm, nhà nông triệu USD Nguyễn Hồng Cương còn giúp nông dân tư vấn việc xây dựng ao hồ, kỹ thuật nuôi tôm, cho người dân vay hàng tỷ đồng không tính lãi để mua cám, hoá chất xử lý ao khi nuôi,... với mong muốn giúp người dân quê ông thoát nghèo.

Cũng là một tỷ phú, nhưng ông Nguyễn Thành Đông lại chọn trồng chanh, trồng bưởi, quế... vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa cho thu nhập cao, trở thành “vua rừng” trên đất Yên Bái.

Ông Đông hiện có khoảng 300ha đồi rừng, trong đó 146ha trồng quế, 150ha trồng cây ăn quả bao gồm bưởi, cam, chanh và các cây trồng khác.

Riêng giống bưởi Đông Yến ông đang chuẩn bị làm thương hiệu, bình quân mỗi năm thu được 1.200 tấn quả. Chanh tứ quý cho nguồn thu 1.000 tấn cung cấp cho trong nước và xuất đi Trung Quốc. Còn cây quế ông thu hoạch để chế biến tinh dầu.

Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Đông An (Văn Yên, Yên Bái), mô hình trang trại trồng cây ăn quả, trồng quế kết hợp xưởng chế biến tinh dầu quế của gia đình ông Đông hàng năm cho tổng thu nhập khoảng 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

“Sắp tới tôi trồng thêm 20ha rau sạch và đăng ký chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc cho các loại quả của trang trại, tiến tới mở chuỗi siêu thị mini trong tỉnh, tại Hà Nội và các địa phương lân cận”, ông Đông tiết lộ.

Trồng rau bán sang Nhật, thành nông dân giàu nhất làng

Không phải “vua rừng” hay “vua tôm”, song chị Đỗ Thị Duyên ở xã Hùng Tiến (Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) cũng trở thành nông dân giàu nhất xã với mô hình gom đất trồng rau xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan.

Chị Duyên cho biết, trước kia vùng trồng rau của chị chủ yếu tập trung thâm canh, bán thâm canh kết hợp với cây lúa.

Năm 2014, địa phương có dự án xây dựng vùng sản xuất rau màu tập trung, gia đình chị Duyên nhận thầu toàn bộ. Bên cạnh đó, chị cũng thuê lại đất ruộng của các hộ dân trong vùng để làm “cánh đồng lớn” với diện tích lên tới vài chục hecta.

Thống trị đầm lầy thu 2 triệu USD, ông chủ núi đồi giắt túi 30 tỷ - Ảnh 2.

Trồng cà rốt xuất khẩu người nông dân Hải Dương thu 2.000 tỷ đồng/vụ

Chị đầu tư máy móc cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, xây dựng hệ thống tưới tiêu có bể chứa, có các rãnh dẫn nước vào các luống rau,... cho các vùng trồng rau súp lơ, bắp cải, cà tím, bí đỏ, ớt, dưa gang, dưa lê siêu ngọt.


Thay bằng sản xuất tự phát như cách làm của đa số nông dân, ngay từ khi bắt tay vào làm, chị đã ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Từ khâu đặt hàng đến khâu tổ chức sản xuất chị đều làm theo đúng yêu cầu của phía công ty. Họ cần trồng cây gì thì mình trồng cây đó, khi thu hoạch công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chính vì có đầu ra ổn định nên chị rất yên tâm, chỉ cần tập trung sản xuất.

Chị Duyên khoe, nhờ đó chị đã thành công với mô hình đa canh, đa cây. Sản phẩm rau màu của gia đình chị được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan. Đặc biệt, đơn vị nhập khẩu bên Nhật còn cử chuyên gia sang kiểm tra giám sát quá trình sản xuất mỗi tháng một lần, họ rất tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.

Doanh thu trên cánh đồng rau màu của gia đình chị mỗi năm cũng đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí mỗi vụ sản xuất cũng lãi 130-180 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 15-20 lao động thường xuyên chưa kể lao động thời vụ.

Thực tế hiện nay, trồng rau liên kết xuất khẩu sang Nhật đang là hướng đi của nông dân ở nhiều vùng miền. Nhờ làm theo quy trình chuẩn, đầu ra ổn định nên người nông dân thoát được cảnh “được mùa rớt giá”, nhiều hộ có thu nhập ổn định, thậm chí trở nên giàu có.

Đơn cử, tại xã Đức Chính, xã Thái Tân (Cẩm Giàng, Hải Dương), nhiều nông dân có thu nhập tiền tỷ nhờ kết hợp với doanh nghiệp trồng cà rốt theo hướng VietGap để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia,...

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, tổng diện tích cà rốt vụ đông xuân của toàn tỉnh niên vụ 2018-2019 khoảng 1.200ha, năng suất bình quân đạt 40-45 tấn/ha, tổng sản lượng cà rốt vụ đông của tỉnh này ước khoảng nửa triệu tấn, trong đó, riêng 2 xã Đức Chính và Thái Tân tổng diện tích cà rốt đã chiếm hơn 50% diện tích cà rốt của toàn tỉnh với sản lượng khoảng 250.000 tấn.

Với giá bán đầu vụ 5.000-8.000 đồng/kg, chính vụ 3.000-3.500 đồng/kg, cây cà rốt mang về cho nông dân Hải Dương hơn 2.000 tỷ đồng/vụ.

Theo Tâm An

Cùng chuyên mục
XEM