Thông minh chưa hẳn sẽ thành công, nhưng cần cù chắc chắn làm chủ cuộc sống: Người ưu tú không bao biện
Chúng ta thường cho rằng thất bại của bản thân là bởi chúng ta không đủ tư chất, và thiếu may mắn. Chúng ta quên mất rằng chỉ khi nỗ lực, vận may mới có thể đến, và mình mới có thể thành công.
(1)
Trong buổi kí tặng cho người hâm mộ, một bạn sinh viên hỏi tôi: "Thầy ơi, em rất thích diễn thuyết nhưng không có tài năng, mỗi khi đứng trước đám đông thì em đều rất lo lắng, căng thẳng. Thầy nghĩ với một người không có tài năng về diễn thuyết thì có nên tiếp tục kiên trì luyện tập nữa không ạ?"
Nghe xong, tôi cảm thấy tò mò, bèn hỏi: "Em nhìn xem, lúc em hỏi câu này, em đang đứng trước rất nhiều người, nhưng em không hề lúng túng, thậm chì còn diễn đạt rất trôi chảy và mạch lạc. Chẳng lẽ em không có chút căng thẳng nào ư?"
Mặt đỏ bừng lên, em ấy xấu hổ trả lời: "Dạ là do hồi nãy em có ghi câu hỏi lên tay mình rồi vừa nhìn tay vừa nhẩm lại mấy lần ạ".
Tôi liền nói: "Vậy trong những nhà diễn thuyết gia nổi tiếng, theo em có bao nhiêu người không làm giống như em vừa nãy?"
Cô ấy dường như hiểu ra được. Tôi tiếp tục nói: "Thầy chợt nhớ ra một bộ phim tên The King Speech. Có một vị vua rất hay nói lắp. Để chữa căn bệnh này, ông ấy phải trải qua một cuộc huấn luyện rất gay go, khắc nghiệt. Thậm chí, thầy của ông ta phải hướng dẫn cho ông cả ngày lẫn đêm, còn ông ấy có lúc phải ngậm nước trong miệng để luyện phát âm… Cuối cùng, khi buổi diễn thuyết của ông ấy đươc phát trên đài truyền hình, ông đã được rất nhiều người khen ngợi. Trừ gia đình và bạn bè thân thiết của ông, không ai biết được rằng bài diễn thuyết vĩ đại đó là bài phát biểu của một người không có chút tài năng gì về thuyết trình cả.
Tôi nói những lời tiếp theo thật chậm để cô ấy thấm thía: "Hầu hết thành công của một người không dựa vào việc họ có tài năng như thế nào. Đôi lúc chúng ta nghĩ bản thân mình đã cố gắng hết sức nhưng vì không có năng khiếu nên thất bại. Chúng ta dễ dàng đổ thừa sự thất bại của bản thân cho số phận mà quên mất rằng "có công mài sắt có ngày nên kim". Nếu thực sự cố gắng, bất cứ điều gì chúng ta cũng đều có thể làm được, bất kì khó khăn nào chúng ta cũng đều có thể vượt qua."
(2)
Bảy năm trước, lần đầu tiên tôi tham gia thi hùng biện tiếng Anh, thuận lợi bước vào vòng bán kết toàn quốc. Sau cuộc sàng lọc khốc liệt, ngoài tôi ra, quê tôi còn chọn thêm 4 người tài giỏi khác để ra Hà Nội tham gia vòng bán kết.
Đêm trước cuộc thi bán kết, 5 chúng tôi được tập trung ở một khu tập luyện rất là lớn. Vì đi đường xa mệt mỏi, chúng tôi ăn uống đơn giản xong rồi nhanh chóng về khách sạn nghỉ ngơi. Đêm ấy, tôi trằn trọc không ngủ được, vì vậy quyết định đi dạo quanh sân vườn, và rất ngạc nhiên khi thấy một chàng trai đang đọc bài diễn văn bằng đèn pin.
Hôm sau gặp lại, tôi biết được anh ấy cũng mắc tật nói lắp hệt như nhà vua trong phim The King Speech. Mỗi khi anh xúc động, lo lắng, tật nói lắp của anh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Anh ấy nói rằng vì đây là căn bệnh bẩm sinh nên từ bé anh đã bị bạn bè cười nhạo. Anh thề rằng phải cố gắng làm sao để khắc phục được việc này. Anh cố gắng tập luyện nhiều hơn bất kì ai mỗi ngày để có thể diễn thuyết bằng tiếng Anh. Một bài thuyết trình, nếu như người khác chỉ cần luyện nói 100 lần, anh phải luyện nói 1000 lần may ra mới đạt được kết quả bằng phân nửa.
Nhưng đây không phải là một câu chuyện kiểu như "Ý chí ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Sau khi cuộc thi diễn ra, anh đã bị loại. Nguyên nhân rất đơn giản vì đây là cuộc thi hội tụ rất nhiều tài năng hùng biện từ khắp nơi trên cả nước. Anh dừng chân ở vòng bán kết, nhưng ngày hôm ấy, anh đã không hề nói lắp.
(3)
Khi còn nhỏ, một số học sinh trong lớp tự nhận mình là "thiên tài". Trong số đó, một số là thiên tài thực sự, nhưng đa phần thì không. Xung quanh chúng ta luôn có những người bạn cùng lớp có thể giải các bài toán hóc búa với tốc độ nhanh nhất và phương pháp đơn giản nhất. Trí thông minh của họ khiến chúng ta phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Nhưng khi lớn lên, chúng ta sẽ phát hiện rằng có những người tuy không quá thông minh nhưng lại có sự nghiệp nổi trội, sở hữu những người làm thuê có khi còn thông minh hơn cả họ. Khi ấy, chúng ta mới thấm thía lời dặn dò của ông cha ngày xưa: "Cần cù bù thông minh". Chỉ cần bản thân nỗ lực phấn đấu hết mình, chúng ta sẽ sở hữu trong tay sức mạnh thay đổi cuộc sống.
Chúng ta thường cho rằng thất bại của bản thân là bởi chúng ta không đủ tư chất, và thiếu may mắn. Chúng ta quên mất rằng chỉ khi nỗ lực, vận may mới có thể đến, và mình mới có thể thành công.
Chúng ta luôn cho rằng những người thành công họ thông minh hơn mình, may mắn hơn mình, nhưng lại quên mất một yếu tố quan trọng mang tên năng lực tiềm tàng của bản thân.
Bạn nghĩ thế giới này như thế nào? Bạn chấp nhận cố gắng đến mức độ nào? Bạn có thật sự nỗ lực hết sức mình để vượt qua khó khăn hay chỉ nhìn vào những thách thức mà than thở rằng: "Mình không đủ khả năng"
Hy vọng chúng ta sẽ quyết tâm hơn, ít bào chữa cho bản thân hơn và ít tìm đủ lý do cho sự thất bại của bản thân.
Như vậy con đường phía trước của chúng ta chắc hẳn sẽ tuyệt vời và tươi sáng lắm.