Thời tiết thất thường, số trẻ nhập viện tăng đột biến: BS chỉ ra sai lầm cha mẹ cần tránh

27/05/2022 18:07 PM | Sống

Thời tiết mưa nắng thất thường ở miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, gây bệnh cho người lớn và trẻ nhỏ.

Gia tăng số trẻ viêm đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa 

Theo ghi nhận của phóng viên, số bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày qua liên tục gia tăng.

Cụ thể, những ngày gần đây, khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 200 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện nhi Trung ương, trong những ngày gầy đây, Trung tâm tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi/ngày do mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số trẻ nhập viện nhập viện tăng khoảng 150 đến 200% so với những tháng trước đó. Trong số gần 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa, có tới 70% bệnh nhi mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản…

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn - cho biết trong 2 tuần vừa qua, số trẻ nhập viện điều trị tăng đột biến. Bệnh nhân nhập viện có sốt cao, nôn. Đối với các trường hợp này, bệnh viện đều có xét nghiệm để giám sát và loại trừ bệnh viêm gan bí ẩn theo đúng chỉ đạo của ngành y tế. Tuy nhiên, hiện chưa phát hiện ca bệnh viêm gan bí ẩn nào từ nhóm trẻ nôn, sốt, tiêu chảy vào nhập viện.

Thời tiết thất thường, số trẻ nhập viện tăng đột biến: BS chỉ ra sai lầm cha mẹ cần tránh - Ảnh 1.

Bệnh nhi nhập viện gia tăng, ảnh Ngọc Minh.

Theo bác sĩ Sang, các bệnh nhi nhập viện đa phần mắc các bệnh về đường hô hấp. Xét nghiệm cho thấy chủ yếu trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV. Đây là loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Đáng chú ý, không ít trường hợp phụ huynh chủ quan hoặc gặp phải một số sai lầm khi chăm sóc trẻ tại nhà khiến trẻ trở nặng.

Tại phòng điều trị khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, anh Nghiêm Đức T. có con trai 4 tháng tuổi phải nhập viện điều trị. Anh T cho biết con có biểu hiện ho, sốt, thở rít và được theo dõi tại nhà 3 ngày. Anh có cho con uống một số loại thuốc nhưng không đỡ nên vào viện thăm khám.

Bệnh nhi được chẩn đoán bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hiện bé ở viện được 3 ngày, tình trạng đã đỡ hơn nhưng vẫn cần phải theo dõi.

Bác sĩ Sang cho biết có nhiều bố mẹ chủ quan cho con đến viện muộn, hoặc tự ý mua kháng sinh điều trị cho con. Điều này vô tình khiến trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Sai lầm cần tránh khi trẻ ho, sốt

Theo bác sĩ Sang, trong quá trình tiếp nhận và thăm khám các bệnh nhi bị ho, sốt, bác sĩ nhận thấy có 2 sai lầm thường gặp ở phụ huynh:

- Tự ý mua thuốc, trong đó có kháng sinh

- Chườm lạnh cho trẻ

"Việc làm này là vô cùng nguy hiểm vì trường hợp trẻ bị virus tấn công thì kháng sinh điều trị không có tác dụng mà còn làm tình trạng nặng hơn, thậm chí có trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết.

Việc chườm lạnh cho con cũng là một sai lầm, vì làm như vậy không những không hạ được sốt cho trẻ mà khiến trẻ bị cảm lạnh nặng hơn, từ đó tình trạng trẻ sốt cao hơn", bác sĩ Sang chia sẻ.

Bác sĩ Sang lưu ý khi trẻ sốt, điều quan trọng nhất là theo dõi nhiệt độ của trẻ, nên cặp nhiệt độ cho trẻ từ 20-30 phút/1 lần. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, cha mẹ cần dùng hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và bác sĩ, đặc biệt chú ý đến cân nặng của trẻ.

Về chườm khăn cho trẻ sốt, cha mẹ nên chườm ấm, không được chườm lạnh. Khi trẻ sốt cao liên tục 2 ngày, ho, khò khè nhiều, ăn kém, li bì thì nên cho trẻ đến viện kiểm tra.

Để phòng bệnh trong thời gian thay đổi thời tiết như hiện này, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh đến nơi đông người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, tăng cường bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của trẻ. Cha mẹ cần phát hiện sớm dấu hiệu viêm long đường hô hấp như xuất tiết dịch mũi, ho, khò khè, khó thở. Nếu trẻ có dấu hiệu này thì cần đưa đến cơ sở y tế để khám và can thiệp kịp thời.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM