Tàu đâm hỏng cầu tại Hải Dương: Thiệt hại 15 tỷ đồng, ai chịu?
Ước tính thiệt hại của vụ tàu đâm vào cầu An Thái bắc qua sông Kinh Môn (Hải Dương) lên đến khoảng 15 tỷ đồng. Người điều khiển phương tiện sẽ chịu trách nhiệm chính; tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo xem xét trách nhiệm của đơn vị kiểm soát luồng tuyến đường thủy...
Ông Phan Quốc Hiếu, Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay: Theo tính toán sơ bộ của đoàn công tác do Bộ GTVT thành lập, tàu Thành Luân 28 đâm vào cầu An Thái làm hỏng một dầm bê tông dự ứng lực. Việc thay dầm mới dự kiến sẽ mất khoảng 5-7 tỷ đồng.
Ngoài ra, do cây cầu này nằm trong dự án đầu tư BOT thu phí, vụ tai nạn làm ô tô không thể lưu thông nên làm nhà đầu tư thất thu. Theo báo cáo sơ bộ của chủ đầu tư cầu An Thái, doanh thu mỗi ngày đạt khoảng 150 triệu đồng. Theo ông Hiếu, việc sửa chữa cầu có thể kéo dài đến 2 tháng nên hậu quả vụ tai nạn gây ra đối với chủ đầu tư khoảng 9 tỷ đồng; nâng tổng thiệt hại của vụ tai nạn này lên đến 14-16 tỷ đồng.
Ông Hiếu cho biết, người trực tiếp gây tai nạn (người điều khiển, chủ tàu) sẽ phải chịu trách nhiệm. “Nếu công ty sở hữu tàu và nhà đầu tư cầu An Thái không thỏa thuận được, sự việc sẽ được giải quyết dựa theo phán quyết của tòa án” - ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lý luồng tuyến đường thủy thuộc Cục Đường thủy nội địa.
Ngay trong ngày 8/3, Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) đã họp khẩn. Thông báo kết luận của cuộc họp cho thấy: Tàu Thành Luân 28 thuộc loại tàu “sông pha biển” (chạy trên sông và ven biển) tải trọng hơn 3.000 tấn, được sản xuất năm 2008 tại Hải Phòng, hoán cải tại Hải Dương năm 2015; hết hạn đăng kiểm từ 24/1/2016.
Đáng chú ý, ngày 18/2, lực lượng quản lý đường thủy phát hiện tàu này cập bến để sửa chữa, nhưng không xin phép, báo cáo theo quy định. Dù liên tục nhắc nhở chủ tàu Thành Luân 28 đăng ký ra vào bến thủy để được hướng dẫn và xử phạt đơn vị chấp thuận cho tàu này lên bờ nhưng khi rời đi, tàu Thành Luân 28 vẫn không khai báo. Người điều khiển tàu lúc này là ông Trần Huy Du, sinh năm 1977, quê Giao Thủy, Nam Định, có bằng thuyền trưởng. Báo cáo của Phó Cục trưởng Đường thủy Trần Văn Thọ khẳng định các biển báo đường thủy được trang bị đầy đủ.
Tuy nhiên, trong công văn chỉ đạo ngày 8/3, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Đường thủy yêu cầu các phòng ban chuyên môn tiếp tục làm rõ các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước. Cũng trong chiều 8/3, ông Giang trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo điều tiết đường thủy và làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý luồng ở địa phương.
Trước đó, vào lúc 17h30 ngày 6/3 trên sông Kinh Môn thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương, tàu Thành Luân 28 lưu thông theo hướng Hải Dương - Hải Phòng đã va đâm làm gãy dầm bê tông cốt thép dự ứng lực 24m của cầu An Thái (nối thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành với thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Cho xe máy lưu thông qua cầu An Thái
Chiều 8/3, đại diện Công ty TNHH BOT 188, đơn vị khai thác cầu An Thái, cho biết bắt đầu từ chiều cùng ngày cơ quan chức năng đã cho phép người và phương tiện xe máy được phép lưu thông qua cầu An Thái.
Trước đó, từ ngày 7/3, lực lượng chức năng thực hiện cấm không cho người và các loại phương tiện đi qua. Sở GTVT đã có phương án phân luồng giao thông tạm. Theo đó, xe tải dưới 25 tấn có thể đi theo phà Mây, xe từ 25 tấn trở lên đi quốc lộ 37 qua cầu Bình.
UBND tỉnh Hải Dương cũng có văn bản chỉ đạo công an khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định.