Thời điểm sụp đổ trong ngân khố chỉ còn lại 10 đồng, rốt cuộc kho vàng kho bạc đầy ắp một thời của nhà Thanh đã chảy đi đâu?

01/03/2021 20:17 PM | Sống

Vào thời kỳ hưng thịnh, quốc khố nhà Thanh luôn đầy ắp. Vậy kho vàng kho bạc ấy đã chảy đi những đâu mà để khi sụp đổ, trong ngân khố chỉ còn lại 10 đồng?

Quân vương du lạc vạn cơ khinh,

Nhất khúc nghê thường tứ hải binh.

Ngọc liễn thăng thiên nhân dĩ tận,

Cố cung do hữu thụ trường sinh.

"Quá Hoa Thanh cung"_ Lí Ước

Dịch thơ:

Vua ham hưởng lạc, sự coi khinh

Xem múa nghê thường lúc chiến chinh

Xe ngọc cùng người lên thượng giới

Cung xưa cổ thụ mãi tươi xanh.

(Tham khảo: thivien.net)

Trong các bộ phim về lịch sử, có khá nhiều bạn hâm mộ chức quan Hộ bộ Thượng thư, bởi vì Hộ bộ Thượng thư là chức vụ cao nhất chưởng quản tài chính trong bộ máy chính trị Trung Quốc cổ đại.

Ngoại trừ Hoàng đế thì quyền lực của Hộ bộ Thượng thư là to nhất.

Các vị sĩ tử khi thi đỗ cuộc thi, đều luôn mong ước được đảm nhận vị trí trong Hộ bộ. Bởi vì, Hộ bộ là nơi quản lí tiền bạc của triều đình, nên chắc chắn các khoản hối lộ, đút lót cũng rất nhiều.

Những học sĩ mang trong mình lí tưởng hoài bão đều muốn được vào Hộ bộ, thứ nhất là vì để thực hiện hoài bão lí tưởng của bản thân, thứ hai là để diệt trừ quan tham, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, hủ bại.

Nhưng những quan lại tham ô lại càng mong muốn được vào Hộ bộ hơn, bởi vì vào được Hộ bộ thì lại càng dễ dàng để tham ô hơn.

Chức vị Hộ bộ Thượng thư quan trong như vậy, cũng cho thấy được nền tài chính đối với một quốc gia có vai trò quan trọng vô cùng.

Trong lí luận chủ nghĩa Marx đã chỉ ra rằng, "cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng", chỉ khi cơ sở kinh tế vững chắc thì kiến trúc thượng tầng của quốc gia mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.

Nhân dân bị bóc lột

Tiền bạc trong quốc khố của chính quyền Trung Quốc cổ đại đa phần là đến từ nguồn thuế của quốc gia. Bởi vì Trung Quốc cổ đại là chế độ phong kiến, bóc lột chính là phương tiện chính của trưng thu thuế thời phong kiến, điều đó đã khiến cho cuộc sống của nhân dân Trung Quốc thời phong kiến rơi vào cảnh khổ cực lầm than.

Người dân không chỉ phải nộp nhiều loại sưu thuế nặng nề, mà còn phải đi lao dịch. Lao dịch là gì? Lao dịch tức là đi làm không công cho Hoàng đế, ví dụ như tu sửa Hoàng lăng, xây dựng cung điện, đắp đê…

Các công việc này đều cần đến lượng lớn lao động để hoàn thành, mà sau khi một lượng lớn sức lao động của quốc gia bị mất đi, tức là có nhiều ngành nghề sản xuất bị thiếu hụt lực lượng lao động. Việc này dẫn đến việc người dân thiếu lao động tham gia sản xuất, thu nhập thì ít, chi tiêu lại nhiều, mức sống của người dân cũng vì thế mà khó có thể nâng cao.

 Thời điểm sụp đổ trong ngân khố chỉ còn lại 10 đồng, rốt cuộc kho vàng kho bạc đầy ắp một thời của nhà Thanh đã chảy đi đâu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong lịch sử Trung Quốc cũng có những vị vua mang trái tim nhân hậu, trong thời gian trị vì, chế độ sưu thuế và lao dịch cũng được giảm nhẹ đi nhiều. Song, có những vị minh quân yêu nước thương dân, ắt có những kẻ hôn quân xa hoa dâm dật.

Trong thời gian trị vì, những kẻ hôn quân luôn dùng đủ mọi danh nghĩa để đàn áp, bóc lột nhân dân, trưng thu đủ loại sưu thuế, khiến dân chúng không còn đường sống.

Ví dụ như Tần Nhị Thế - kẻ hôn quân nổi tiếng trong lịch sử, Trần Thắng và Ngô Quảng trên đường lao dịch gặp phải mưa lớn, làm chậm trễ công việc, lại phải đối mặt với mối nguy bị chém đầu. Những người như họ không thấy được con đường tương lai phía trước, cũng chẳng còn đường lui, bị ép vào đường cùng, nên phải chọn con đường đứng lên khởi nghĩa.

Chế độ phong kiến kéo dài đến thời nhà Thanh đã gần như bước vào giai đoạn chấm dứt.

Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa, khi nhà Thanh sụp đổ, người ta phát hiện ra một việc kinh ngạc ấy là, khi Viên Thế Khải mở quốc khố của nhà Thanh, định chiếm làm của riêng, thì ông ta phát hiện quốc khố nhà Thanh chỉ còn sót lại 10 đồng. Nhà Thanh sụp đổ, quốc khố chỉ còn có 10 đồng, vậy tiền đã đi đâu?

Tiền bạc trong quốc khố nhà Thanh đã… chảy đi đâu?

Quốc khố thời cổ đại Trung Quốc được chia làm hai loại, loại thứ nhất là từ đóng góp của nhân dân, được gọi là "công khố", còn một loại là từ đóng góp của người có quyền lực cao nhất đó là Hoàng đế, cũng tức là kim khố riêng của mình Hoàng đế.

 Thời điểm sụp đổ trong ngân khố chỉ còn lại 10 đồng, rốt cuộc kho vàng kho bạc đầy ắp một thời của nhà Thanh đã chảy đi đâu? - Ảnh 2.

Quốc khố Thanh triều thời hưng thịnh.

Tiền trong công khố được dùng để phát triển, kiến thiết đất nước, còn kim khố của Hoàng đế thì được sử dụng theo ý muốn của Hoàng đế. Vào thời kỳ hưng thịnh phồn hoa giàu có nhất thời nhà Thanh, cũng là thời gian tiềm lực quốc gia hùng hậu, quốc khố luôn đầy ắp.

Song đến cuối thời nhà Thanh, quốc gia sụp đổ, quốc khố cũng bị đào rỗng vì những lý do sau:

Các khoản tiền chủ yếu được chi cho việc bồi thường

Những năm cuối thời nhà Thanh, quốc gia suy tàn, quân đội yếu kém, trong trận chiến với các quốc gia tư bản chủ nghĩa phương Tây nhiều lần gặp thất bại.

Sau khi bại trận, chính quyền nhà Thanh phải kí kết các hiệp ước làm nhục quốc gia, mất chủ quyền với các nước phương Tây, mà các hiệp ước này đều bắt buộc phía Trung Quốc phải cắt đất bồi thường.

Cứ mỗi lần bồi thường như thế khiến cho quốc khố của nhà Thanh cũng dần bị đào rỗng.

Ví dụ như trong "Hiệp ước Nam Kinh" chính quyền nhà Thanh phải bồi thường cho nước Anh hơn 1000 vạn lượng bạc trắng (tức 10.000.000 lượng), trong "Hiệp ước Mã Quan" Nhật Bản yêu cầu chính quyền nhà Thanh phải bồi thường 200 triệu lượng bạc trắng, đến "Hiệp ước Tân Sửu" các cường quốc phương Tây yêu cầu nhà Thanh bồi thường tổng cộng khoảng một tỷ lượng bạc.

Mà trong thời gian đó, thu nhập mỗi năm của quốc khố nhà Thanh chưa đến mấy nghìn vạn lượng, không đủ để chi trả một khoản bồi thường cho phương Tây.

Cũng chính vì như thế, các khoản bồi thường ấy, nói cách khác là đều lấy từ tiền thuế mười mấy năm hoặc là từ tiền kinh doanh đường sắt của Trung Quốc để bồi thường cho các cường quốc phương Tây.

 Thời điểm sụp đổ trong ngân khố chỉ còn lại 10 đồng, rốt cuộc kho vàng kho bạc đầy ắp một thời của nhà Thanh đã chảy đi đâu? - Ảnh 3.

Tranh vẽ minh họa.

Thất thoát do người nắm quyền thống trị

Trừ các khoản chi cho cắt đất bồi thường với phương Tây, quốc khố nhà Thanh trống rỗng có liên quan nhiều đến người nắm quyền thống trị nhà Thanh.

Nhà Thanh là do người Mãn đứng đầu, sau khi người Mãn tiến vào thống trị cai quản Trung Nguyên, suốt thời đại nhà Thanh, người Mãn đều được coi là tầng lớp quý tộc trong xã hội, được hưởng nhiều loại ưu đãi hậu hĩnh hơn, trong đó cao quý nhất phải kể đến tổ chức Bát Kỳ.

Chỉ cần là người thuộc tổ chức Bát Kỳ thì không cần tham gia thi cử cũng được vào triều làm quan, được hưởng bổng lộc triều đình. Việc này khiến cho tình trạng dư thừa quan lại thời nhà Thanh trở nên rất nghiêm trọng, hệ thống quan lại vô cùng khổng lồ, vì thế bắt buộc phải dùng nhiều tiền hơn để chi trả bổng lộc cho quan viên.

Quá đáng hơn là, những người thuộc tổ chức Bát Kỳ lại luôn sống xa hoa, yêu thích phô trương lãng phí, không hề quý trọng tiền bạc quốc gia, tiêu xài phung phí. Chính bởi vì sự xa hoa lãng phí của những người đó đã khiến quốc khố nhà Thanh đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Kết luận

Những năm cuối thời nhà Thanh, cuộc sống người dân khổ cực lầm than, thuế quốc gia không trưng thu được nhưng quan lại lại tiêu xài hoang phí, còn phải bồi thường cho các cường quốc phương Tây. Không chỉ tiêu xài hết vốn liếng ông cha đời trước để lại mà còn mắc nợ thêm, đó cũng chính là lí do khiến cho khi nhà Thanh suy vong quốc khố chỉ còn lại có 10 đồng.

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM