Thời dịch Covid-19, hàng không khuyến mại khủng vẫn ít khách

28/02/2020 13:52 PM | Kinh doanh

Do ảnh hưởng của dịch virus Covid-19, các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực giao thông đều tụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu. Dù các DN hàng không áp dụng khuyến mại lớn nhất từ trước tới nay, nhưng khách vẫn tụt giảm. Các DN đã kiến nghị Bộ GTVT hàng loạt giải pháp hỗ trợ. Ngày 27/2, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã họp bàn với các đơn vị của bộ.

Thiệt hại lớn

Trong các lĩnh vực vận tải chịu thiệt hại do dịch Covid-19, hàng không chịu tác động mạnh nhất. Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho hay, hiện tại, toàn bộ đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc đại lục đã dừng; đường bay tới Hồng Kông cắt giảm 92% số chuyến bay so với khi chưa có dịch; đường bay Đài Loan cắt giảm 34% số chuyến bay; đường bay Hàn Quốc cũng cắt giảm 41%.

Cùng với đó, lượng hành khách tại các đường bay này giảm 50-70% so với trước đây. Riêng đường bay Nhật Bản, theo ông Thắng, hiện vẫn khai thác bình thường, nhưng lượng hành khách vắng vẻ, thời gian tới có thể các hãng sẽ cắt giảm tần suất bay. “Chúng tôi đánh giá sơ bộ, với kịch bản dịch bệnh hiện nay, ước tính năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam sẽ sụt giảm hơn 25.000 tỷ đồng”, ông Thắng nói.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện tại, đơn vị đã đưa ra tính toán các kịch bản khác nhau. Nếu dịch kéo dài tới tháng 4/2020, khách hàng đi/đến Việt Nam sẽ giảm khoảng 15,4% so với cùng kỳ năm trước (riêng khách đi trên các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam sụt giảm hơn 28% (khách quốc tế), giảm 5,5% (khách nội địa).

Nếu dịch kéo dài tới tháng 6, hàng không mất 17,9 triệu lượt khách so với cùng kỳ năm trước; riêng các hãng hàng không Việt Nam sẽ mất khoảng 41,2% khách quốc tế và 5,5% khách nội địa. Không chỉ vậy, đường bay bị hủy và hành khách sụt giảm, kéo theo thiệt hại cho các DN cung cấp dịch vụ khác như Tổng Cty Cảng hàng không (ACV), Tổng Cty Quản lý bay (VATM), sân bay Vân Đồn; các DN phục vụ mặt đất...

Với lĩnh vực vận tải khác, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, trong tháng 2/2020, hành khách đi đường sắt giảm 45% so với tháng 1 và giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước. Với đường bộ, vận tải hàng hóa giảm 6,4% so với tháng trước, hành khách giảm 16,3%; hàng hải giảm lần lượt 6,1% và 1,1%; đường thủy nội địa giảm lần lượt 9,7% và 1,6%.

Để vượt qua khó khăn, các DN trong lĩnh vực giao thông đã kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp hỗ trợ, hoặc báo cáo Chính phủ, Quốc hội áp dụng một số biện pháp hỗ trợ. Cụ thể, các DN đề xuất: Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, giảm thuế môi trường tới khi dịch bệnh được khống chế; Giảm các loại phí do Nhà nước thu hoặc kiểm soát; Kiến nghị các ngân hàng khoanh hoặc gia hạn nợ, giảm lãi suất; Đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thay đổi các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại DN nhà nước...

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan thống kê chi tiết các số liệu về thiệt hại của DN giao thông, xem xét các kiến nghị của DN và đề xuất giải pháp xử lý. “Kiến nghị nào trong thẩm quyền có thể giải quyết thì các đơn vị rà soát quy định để xử lý kịp thời hỗ trợ DN. Nếu kiến nghị, đề xuất nào vượt thẩm quyền các đơn vị tổng hợp để bộ báo cáo Chính phủ, Quốc hội xin ý kiến chỉ đạo. Việc này phải làm khẩn trương để chia sẻ, hỗ trợ DN”, ông Thể yêu cầu. Ngoài ra, người đứng đầu ngành Giao thông cũng yêu cầu các DN phải chủ động sắp xếp phương tiện, bộ máy để tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường để giảm thiểu rủi ro. Dù khó khăn, nhưng ông Thể yêu cầu, các cơ quan, DN không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hàng không khuyến mại khủng vẫn ít khách

Khi nghe tin giá vé máy bay nội địa giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Lê Thương Huyền (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) rủ bạn bè tranh thủ mua đưa gia đình đi chơi. Tuy nhiên, sau 2 tuần, chị Huyền chỉ nhận về những cái lắc đầu. “Biết giá vé máy bay rẻ hơn cả xe khách mà tiếc, nhiều người muốn đi, nhưng nghĩ ra sân bay là cửa ngõ đón khách trong và ngoài nước, đông người qua lại, nên không yên tâm. Đi mà không mấy yên tâm nên mọi người lại thôi”, chị Huyền chia sẻ.

Còn theo tin từ một số phòng vé máy bay tại Hà Nội, khách đặt vé rất ít, một số đã đặt vé đi trong tháng 2-3 này cũng trả, hủy hoặc đổi sang đi dịp cuối hè (tháng 7, 8/2020). Những người còn mua vé dịp này chủ yếu vì công việc không thể không đi. “Dù giá vé máy bay dịp này các hãng áp dụng rẻ nhất lịch sử ngành hàng không nhưng rất ít người hỏi mua”, chị Lê Thị Hải, nhân viên một phòng vé máy bay ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết.

Theo chị Hải, tình trạng vắng khách xảy ra cả với đường bay nội địa lẫn quốc tế. Một số tua đã đặt vé cũng hủy, hoặc DN đổi vé sang đi vào cuối năm. Đường bay duy nhất vẫn đắt khách lúc này là từ TPHCM và Cần Thơ đi Côn Đảo.

Vietnam Airlines cho biết, do vắng khách, một số đường bay hiện tại đã dừng khai thác, một số cũng phải giảm tần suất bay. Dù đã áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, như giảm giá vé, thậm chí áp dụng cả giá vé 0 đồng, nhưng khách vẫn vắng vẻ. Chỉ có đường bay ra Côn Đảo vẫn kín khách, các đường bay khác đều vắng. Điển hình, “đường bay vàng” Hà Nội - TPHCM tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ đạt 80% mỗi chuyến bay; các đường bay nội địa còn lại và đường bay quốc tế chỉ bán được 50-60% số vé mỗi chuyến.

Lần đầu tên Vietnam Airlines bán vé 0 đồng đi quốc tế, một số đường bay nội địa và quốc tế khác chỉ bán vé từ 200 đến 300 nghìn đồng. Tương tự, Vietjet Air cũng tung khuyến mại giảm 50% giá vé tất cả các đường bay trong nước và quốc tế đang khai thác. Còn Bamboo Airways, Jetstar Pacific bán vé dưới 100 nghìn đồng cho các đường bay nội địa...

Theo Cục Hàng không, năm 2019, đường bay Việt Nam - Trung Quốc chiếm tỷ trọng 19,5% tổng hành khách toàn ngành; đường bay Việt-Hàn chiếm tỷ trọng 23,1% tổng hành khách; đường bay tới Đài Loan chiếm tỷ trọng 7,7%; đường bay Nhật Bản chiếm tỷ trọng 6,8% ; đường bay tới Hồng Kông chiếm tỷ trọng 4,1%.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM