Thời cổ đại khan hiếm giấy, giới nhà giàu và vua chúa Trung Hoa dùng gì sau khi “đi cầu”?
Riêng vua chúa không dùng nước hay lá cây mà dùng một thứ khác quý phái hơn nhiều.
Ngày nay, giấy vệ sinh là một vật dụng vô cùng thiết yếu trong đời sống. Chúng xuất hiện ở bất cứ đâu, từ nhà riêng cho tới các khu vực công cộng. Nhưng ở Trung Hoa cổ đại, món đồ này hầu như không hề xuất hiện, cho tới tận thời Đông Hán, người Trung Quốc mới bắt đầu sản xuất giấy. Vậy trước đó, họ đã dùng những thứ gì để thay thế giấy vệ sinh?
Thời bấy giờ, các hộ dân thường không có nhà vệ sinh riêng. Họ sẽ phải “giải quyết nỗi buồn” ở ngoài trời. Đây là nơi rộng rãi, thoáng mát, không bị ám mùi và có sẵn lá cây - vật thay thế hoàn hảo cho giấy vệ sinh trong công cuộc làm sạch.
Bồn cầu thời xưa ở Trung Quốc.
Những nhà giàu hoặc có điều kiện hơn sẽ có một chiếc chậu riêng phục vụ việc đi vệ sinh ngay trong phòng. Họ không dùng lá cây mà dùng khăn lụa cho mềm mại. Ngoài ra, trong nhà của họ cũng có một nhà vệ sinh riêng dành cho gia nhân. Đương nhiên, người hầu kẻ hạ không thể dùng khăn lụa để làm sạch cơ thể. Thay vào đó, họ sử dụng một tấm gỗ dẹt, sau khi dùng xong thì rửa sạch, vừa tiết kiệm lại vừa có thể tái sử dụng.
Tương tự, người hầu kẻ hạ trong hoàng cung như thái giám, nha hoàn cũng chỉ lau chùi cơ thể bằng những thứ thô sơ. Đó có thể là lá cây hoặc vỏ tre - những thứ dễ kiếm và hoàn toàn miễn phí.
Vậy còn vua chúa, người được mệnh danh là thiên tử (con trời) sẽ sử dụng thứ gì để lau chùi sau khi “giải quyết nỗi buồn”? Câu trả lời hẳn sẽ khiến nhiều người kinh ngạc vì độ xa xỉ của những ông vua này. Họ sử dụng những tấm vàng mỏng để vệ sinh cơ thể. Đôi lúc, họ sẽ đổi gió bằng khăn lụa mềm mại do Tô Châu, Hàng Châu tiến cống. Tất cả những thứ này đều chỉ được hoàng thượng ngự dùng một lần.
Khăn lụa Hàng Châu, Tô Châu nay vẫn là mặt hàng đắt đỏ chỉ dành cho người nhiều tiền.
(Nguồn: QQ)