Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm của Việt Nam

31/08/2016 08:50 AM | Kinh tế vĩ mô

Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ban hành kết luận điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán và sợi dún polyester nhập khẩu từ Việt Nam.

Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương) cho biết, ngày 30/8, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.

Theo nội dung báo cáo điều tra của Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có 2 doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Các doanh nghiệp này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, do cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời gian và chứng minh được hàng xuất khẩu được sản xuất tại các công ty này.

Riêng đối với các doanh nghiệp không cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, sẽ bị áp dụng mức thuế là 240 USD/m3 (tương đương với mức thuế chống bán phá giá đã được Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đối với hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc).

Thời gian áp dụng mức thuế được tính ngay khi Bộ Kinh tế đăng nội dung kết luận điều tra trên Công báo của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo sẽ xem xét những ý kiến phản hồi về báo cáo điều tra vụ việc của các bên liên quan được gửi muộn nhất là ngày 2/9 tới.

Vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam được khởi xướng từ ngày 27/5/2015 đối với sản phẩm gỗ dán có mã HS: 4412.10; 4412.31; 4412.32 và 4412.39 trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay.

Trước đó, năm 2006 Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với cùng sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Trung Quốc, mức thuế là 240 USD/m3.

Cũng theo Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/8 vừa qua, Tổng vụ Nhập khẩu – Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ban hành kết luận điều tra chống bán phá giá với sợi dún polyester nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Căn cứ theo kết luận, cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ xác định biên độ bán phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam là 34,81% - 72,56 %; Thái Lan là 8,48% - 37,69%. Tổng vụ Nhập khẩu – Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo, trước ngày 5/9 tới, các bên liên quan gửi khiếu nại hoặc các phản hồi về báo cáo điều tra. Ngày 7/9, Tổng vụ Nhập khẩu – Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức điều trần riêng cho từng doanh nghiệp có đề nghị.

Sau đó, ngày 8/9, Tổng vụ Nhập khẩu – Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều trần công khai và các doanh nghiệp gửi các khiếu nại sửa đổi sau điều trần vào ngày ngày 9/9.

Riêng trong tuần từ ngày 19 - 23/9, cơ quan điều tra sẽ điều chỉnh lại việc tính toán để Ủy ban đánh giá vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trọng lĩnh vực nhập khẩu có thể sẽ họp vào ngày 29/9. Cuối tháng 9, Quyết định cuối cùng sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ Kinh tế để ra quyết định cuối cùng trong tuần đầu tiên của tháng 10. Tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 10/2016, thông báo về quyết định cuối cùng sẽ được đăng trên Công báo của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sợi dún polyester (polyester textured yarn) có mã HS: 5402.33 bị Tập đoàn Korteks Mensucat Sanayi ve Tic. A.S. của Thổ Nhĩ Kỳ đứng làm nguyên đơn khởi kiện. Tổng vụ Nhập khẩu – Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra vụ việc từ ngày 15/5/2015. Trong đó, giai đoạn điều tra bán phá giá (POI) từ năm 2014, giai đoạn điều tra thiệt hại được xác định từ năm 2012 - 2014.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM