Thiếu gia thừa kế tập đoàn xây dựng lớn nhất nhì Việt Nam: "Việc mình ở dưới bóng của người cha có thể là mãi mãi"
"Nhưng điều quan trọng là mình làm được gì, cống hiến như thế nào, tập đoàn phát triển như thế nào. Đó mới là thứ mà tôi hướng tới" - Lê Viết Hiếu nói.
Ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, là con trai của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải. Vào năm ngoái, ông Hiếu trở thành Tổng giám đốc của Tập đoàn.
Mới đây, trả lời phỏng vấn của báo doanh nhân Sài Gòn, ông Hiếu cho rằng khi có người cha đã dẫn dắt Hòa Bình đi đến đỉnh cao như ngày hôm nay, bất cứ người con nào cũng cảm thấy mình khó vượt qua được cái bóng của ông. Bên cạnh đó là áp lựctừ kỳ vọng của mọi người và mong muốn của chính bản thân để chứng minh năng lực.
"Nếu như mình để áp lực ảnh hưởng tới suy nghĩ, cách mình làm việc thì sẽ không bao giờ thành công. Việc mình ở dưới bóng của người cha có thể là mãi mãi. Nhưng điều quan trọng là mình làm được gì, cống hiến như thế nào, tập đoàn phát triển như thế nào. Đó mới là thứ mà tôi hướng tới" - Lê Viết Hiếu nói.
CEO sinh năm 1992 của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình
"Ứng cử vào vị trí Tổng giám đốc của Hòa Bình có nhiều người xuất sắc nhưng may mắn ở đây là tính cách của con tôi rất phù hợp"
Theo ông Lê Viết Hải, con trai ông - Lê Viết Hiếu giống ông, có thể kế thừa sự nghiệp của ông và văn hóa của Hòa Bình.
"Tôi nghĩ, văn hóa là cái gốc, nếu không hiểu và không kế thừa văn hóa thì không thể kế thừa doanh nghiệp", ông Lê Viết Hải nói.
Về năng lực, ông Hải cho rằng con trai vượt trội ông vì được đi học ở nước ngoài, học về quản trị kinh doanh bài bản hơn, còn ông xuất thân từ ngành kiến trúc, chưa được học quản trị kinh doanh. Về kinh nghiệm thì rõ ràng là cần thêm thời gian và ông sẽ giúp con rút ngắn để độc lập được hoàn toàn.
"Nhưng phải nói là nó rất chủ động đấy, có tố chất rất độc lập, bản lĩnh và khiêm tốn trong suy nghĩ chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào tôi đâu. Nó yêu Hòa Bình, yêu từ nhỏ", ông Viết Hải kể.
Ông nhớ lại ông cho con ra nước ngoài học từ hồi trung học. Khi đó, Viết Hiếu đã nói thế này: "Ba đừng có lo, mai mốt con về nhất định sẽ phục vụ cho Hòa Bình thôi. Nhưng không ỉ thế vào ba, con sẽ tự đi lên. Con đi về nhưng sẽ không ăn trên ngồi trước người ta, cũng sẽ làm cu li thôi. Con đi ra Vũng Tàu tắm 1 tuần để cho da đen đi, để không ai biết là con ông Hải, sau đó làm phụ hồ, làm lao động thực sự rồi đi lên dần bằng chính năng lực của mình".
Khi về, không còn ngây thơ như hồi nhỏ, 9X nói đi làm ở công ty nước ngoài 2 năm. Đúng 2 năm làm cho Shinhan Bank để học hỏi cách tổ chức quản lý thì ông Viết Hiếu về Hòa Bình làm 4 năm, từ phụ trách phát triển thị trường kinh doanh quốc tế, rồi phụ trách khu vực miền bắc, phó tổng. Vào vị trí Tổng giám đốc là được Hội đồng quản trị chọn chứ không phải cá nhân ông Hải chọn.
Chủ tịch HĐQT Hòa Bình kỳ vọng người con trai của mình sẽ tiếp tục đưa Hòa Bình phát triển, sẽ viết nên một trang sử mới cho Hòa Bình, đó là Hòa Bình ở thị trường toàn cầu.
"Ở trong nước, coi như tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình là đưa Hòa Bình thành công ty hàng đầu rồi. Bây giờ sứ mệnh của nó là đưa Hòa Bình thành một công ty có tên tuổi trên thế giới", Chủ tịch HĐQT Hòa Bình nói.
Lê Viết Hiếu kể lại, khi xem xét bổ nhiệm CEO, Ban giám đốc, Hội đồng quản trị tập đoàn đã đưa ra nhiều phương án, trong đó đã kêu gọi những người nghĩ mình có đủ năng lực và mong muốn ứng cử cho vị trí đó.
Cuối cùng Hội đồng quản trị chốt lại và chọn ông làm CEO vì có thể gắn bó lâu dài với tập đoàn, xem tập đoàn như gia đình của mình. "Tất nhiên, họ cũng thấy những nỗ lực, cách mà tôi đã xử lý công việc ở các vị trí đã kinh qua tại Hòa Bình. Lúc được đề cử vị trí này, tôi cũng chưa nghĩ là mình đã sẵn sàng. Sau một thời gian củng cố tinh thần, củng cố niềm tin, tôi quyết định nhận trọng trách này và sẽ làm hết sức, không để ai thất vọng", lãnh đạo Hòa Bình nói.
"Nếu như không thực tế, sẽ không biết công nhân vất vả như thế nào"
Trước khi đảm nhiệm vị trí cao trong Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, ông Lê Viết Hiếu có 2 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí Chuyên viên Tín dụng doanh nghiệp, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.
Lý giải về điều này, ông Viết Hiếu cho biết ông được tiếp xúc với môi trường xây dựng từ khi còn nhỏ, có cơ hội nhìn thấy người công nhân, nhìn thấy anh kỹ sư, nhìn thấy điều kiện làm việc ở công trường. Nếu như bản thân không có thực tế thì sẽ không hiểu được người ta vất vả như thế nào. Ý tưởng hồi xưa ông muốn làm công nhân một thời gian sau khi học ở nước ngoài về là vì vậy.
Năm 2012, ông Hiếu thực tập ở một công trường xây dựng của Hòa Bình khoảng ba tháng.
"Lên công trường, tôi đi theo các kỹ sư, được các anh chỉ cho đọc bản vẽ, chỉ cho từng loại thép, cách dựng giàn giáo, cách làm cốt pha... Trải nghiệm đó tạm đủ để tôi hiểu công việc trên công trường. Nhưng tôi nghĩ trước khi trở thành người của Hòa Bình, mình phải làm việc cho một doanh nghiệp FDI để học hỏi kinh nghiệm quản lý. Bởi khi thực tập tại Hòa Bình, tôi vẫn là người trong nhà, mọi người đối xử với tôi với tư cách là con của Chủ tịch Lê Viết Hải, nên tôi không cảm nhận được đúng nghĩa một nhân viên", ông Hiếu chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn.
Khi học hỏi được cách quản trị của doanh nghiệp nước ngoài, ông Hiếu cho rằng hiểu nhiều hơn về chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa.
"Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải muốn đưa Hòa Bình ra làm ăn ở nước ngoài. Và cách tốt nhất muốn đưa tập đoàn ra nước ngoài là phải học hỏi cách làm việc từ những công ty nước ngoài", ông Hiếu nói thêm.
Bản thân ông Hiếu học tài chính, nên muốn hiểu hơn về quản lý, sử dụng tài chính của các công ty đa quốc gia. Ông Hiếu làm việc trong một ngân hàng, cụ thể là trong khối cho vay doanh nghiệp. Từ đó, học hỏi được rất nhiều về cách đầu tư tài chính.