Thiết bị khai thác Bitcoin 'cháy hàng' trên toàn thế giới

25/05/2021 17:31 PM | Công nghệ

Và cả sáu nhà sản xuất thiết bị khai thác thống trị ngành công nghiệp này trong năm 2021 đều là công ty Trung Quốc.

Giá tiền điện tử Bitcoin đã giảm đáng kể trong hai tuần qua, nhưng những người tham gia mạng lưới, đặc biệt là những người khai thác bitcoin, vẫn tiếp tục ủng hộ và vận hành hệ thống tiền điện tử này. Các thợ khai thác Bitcoin hiện phải sử dụng rất nhiều nguồn vốn và các hệ thống mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC) để cạnh tranh về tốc độ khai thác ở quy mô công nghiệp, đang liên tục bị phá vỡ giới hạn trong lĩnh vực này.

Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên cho tới nay, chỉ có một số ít các nhà sản xuất ASIC xuất hiện và tiếp tục hoạt động trên thị trường.

Và các nhà sản xuất ASIC hàng đầu vào năm 2021 bao gồm các công ty như Microbt, Bitmain, Canaan, Innosilicon, Strongu và Ebang. Tất cả đều là công ty Trung Quốc. Tương tự như thống kê năm 2020, năm nay Microbt và Bitmain tiếp tục thống trị thị trường, thông qua các model giàn khai thác bitcoin sở hữu cấu hình mạnh mẽ nhất và có thể đem lại lợi nhuận cao nhất cho thợ đào.

Các dữ liệu công khai cho thấy mẫu máy Whatsminer M30S ++ do Microbt sản xuất có thể tạo ra khoảng 112 terahash mỗi giây (TH/s) dựa trên mức tiêu thụ năng lượng 3.472 watt. Sử dụng tỷ giá bitcoin ngày 23/5 và giá điện khoảng 0,12 USD mỗi kWh, thì một máy M30S ++ được phát hành vào tháng 10/2020 có thể giúp chủ sở hữu kiếm được khoảng 11,11 USD mỗi ngày.

Thiết bị khai thác Bitcoin cháy hàng trên toàn thế giới - Ảnh 1.

Phiên bản tiếng Anh của trang web Microbt cho thấy các sản phẩm dòng Whatsminer đã được bán hết.

Và một chiếc Whatsminer M30S ++ không hề rẻ. Nhà sản xuất bán máy với giá 17.240 USD mỗi chiếc. Nhưng hiện tại, mọi mẫu Whatsminers hiện đã được bán hết từ nhà sản xuất chính thức (Microbt) và cách duy nhất để có thể sở hữu chúng là thông qua các thị trường thứ cấp. Và nhà phân phối chính thức của Microbt thường chỉ thực hiện các giao dịch với những người mua là tổ chức, với đơn hàng lên tới số lượng hàng nghìn chiếc máy này mỗi lần.

Một lực lượng thống trị khác trong giới sản xuất ASIC là Bitmain. Công ty này là một trong những nhà sản xuất giàn khai thác bitcoin lâu đời nhất và các hồ sơ theo dõi công khai cho thấy họ đã liên tục tạo ra các cỗ máy khai thác tiền ảo có lợi nhuận cao nhất thế giới năm này qua năm khác. Hiện tại, Bitmain cũng thông báo đã bán hết tất cả các giàn khai thác Antminer mà hãng tạo ra, và người mua là những tổ chức đã sắm cùng lúc hàng nghìn chiếc Antminers.

Thiết bị khai thác Bitcoin cháy hàng trên toàn thế giới - Ảnh 2.

Bitmain hiện cũng hết hàng vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Tại thời điểm hiện tại, dòng máy đào Bitcoin hàng đầu của Bitmain là Antminer S19 Pro, có thể đạt lợi nhuận khoảng 110 TH/s hay 11,38 USD mỗi ngày, với chi phí năng lượng là 0,12 USD cho mỗi kWh. Bitmain cũng có một model khác được gọi là S19j Pro (tốc độ khai thác 100 TH / s) và chi phí 0,12 USD cho mỗi kWh, có thể mang lại lợi nhuận khoảng 7,61 USD mỗi ngày.

Những các model Bitmain S19j cũng đã hết hàng và trang web của công ty không hiển thị giá bán một sản phẩm duy nhất. Còn trên thị trường thứ cấp, một chiếc S19j được bán với giá 17.000 USD mỗi máy.

Canaan cũng là nhà sản xuất có một trong những mẫu máy hàng đầu hiện nay, mang tên Avalonminer 1246 với khả năng khai thác đạt khoảng 90 TH/s, tiêu tốn năng lượng 3.420 watt. Canaan gần đây đã kỷ niệm 8 năm thành lập và công ty này đã cạnh tranh với các đối thủ khác như Bitmain trong một thời gian khá dài. Avalonminer 1246 được phát hành vào tháng 1/2021 và như mọi khi, công ty không niêm yết giá bán sản phẩm này trên trang web của mình.

Thiết bị khai thác Bitcoin cháy hàng trên toàn thế giới - Ảnh 3.

Để mua được ASIC của Canaan, khách phải gửi email.

Để biết được giá của Avalonminer 1246 từ nhà phân phối chính thức là bao nhiêu, khách hàng quan tâm sẽ phải "vui lòng" điền vào mẫu đơn yêu cầu gửi qua email. Trang web của Canaan không cho biết công ty "hết hàng" hay "đã bán hết", nhưng cách duy nhất để mua chúng là thông qua "hợp tác kinh doanh và tư vấn sản phẩm".

Còn giá trên thị trường thứ cấp cho thấy model Avalonminer 1246 được bán với giá từ 9.000 USD đến 12.000 USD một chiếc. Sử dụng tỷ giá Bitcoin vào ngày hôm qua 23/5, thì với chi phí điện khoảng 0,12 USD mỗi kWh, một chiếc Avalonminer 1246 sẽ mang về lợi nhuận khoảng 7,12 USD mỗi ngày.

Các máy khai thác Bitcoin chuyên nghiệp khác vẫn cho hệ số sinh lời với tỷ giá Bitcoin hiện tại. Mẫu Hornbill H8 của hãng Strongu được phát hành vào tháng 10/2020, có tốc độ khai thác khoảng 74 TH/s có thể giúp thợ mỏ kiếm được khoảng 4,38 USD mỗi ngày. Các nhà sản xuất khác như Innosilicon và Ebang đều có các model sở hữu tốc độ băm thấp hơn, nhưng chúng vẫn có lãi. Ví dụ như Innosilicon T3+ có năng suất đào 52 TH/s, có thể mang về 3,47 USD sau mỗi 24 giờ. Còn model Ebit E12 + của Ebang thấp hơn khoảng hai terahash, ở mức 50 TH/s, và tạo ra 2,59 USD mỗi ngày.

Các nhà sản xuất giàn khai thác ASIC nói trên là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này hiện nay. Bất kỳ công ty nào ngoài sáu đơn vị này đều sẽ mất một một chặng đường dài để chen chân vào thị trường, hay thậm chí chỉ là làm giảm sự thống trị mà các công ty này hiện đang nắm giữ. Và rõ ràng, không chỉ các "thợ mỏ" Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ khai thác tiền điện tử lớn nhất toàn cầu, các nhà sản xuất thiết bị khai thác của Trung Quốc cũng đang nắm giữ vận mệnh của chính các hệ thống máy móc để khai thác chúng, trên toàn thế giới.

Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM