Tết đến chúc nhau Phúc – Lộc – Thọ

10/02/2013 08:43 AM |

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người ta thường chúc phúc nhau, chúc một năm mới nhiều tài lộc, sống lâu trăm tuổi,… Những lời chúc này có thể gói gọn trong ba từ phúc-lộc-thọ.

Lời chúc này được lấy từ hình tượng bộ Tam Đa thường không được tách rời với ông Phúc bế đứa trẻ; ông Lộc mặc trang phục đeo đai, đầu đội cánh chuồn; ông Thọ người lù thấp, đầu nhẵn bóng, một tay cầm chiếc gậy, tay kia cầm quả đào. Cả ba vị này đều có chòm râu bạc trắng, nét mặt hồng hào, miệng cười rạng rỡ.

Có nhiều truyền thuyết khác nhau kể về sự xuất hiện của ba vị này. Theo truyền thuyết của người Trung Hoa, ông Phúc tượng trưng cho những điều tốt lành, may mắn. Tương truyền ông Phúc chính là Quách Tử Nghi, Thừa tướng thời nhà Đường nổi tiếng thanh liêm. Theo quan niệm xưa, nhà đông con là nhà có phúc nên ta thường thấy hình ảnh một đứa trẻ nắm lấy áo ông Phúc, hoặc nhiều đứa trẻ vây quanh ông. Cũng có hình ảnh phác họa con dơi bay xuống ông (từ “dơi” phát âm giống “phúc”). 

Ông Lộc chính hay Thần tài, chính là Đậu Từ Quân, làm Thừa tướng thời nhà Tấn, nhân vật tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Tương truyền ông Lộc sinh tại Giang Tây (Trung Quốc), làm quan to trong triều. Trong nhà ông, của chất cao như núi, ông sống giàu sang, vinh quang tột đỉnh.

Còn ông Thọ chính là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng thời nhà Hán. Ông làm quan có tiếng là xu nịnh, được lòng vua nên hưởng nhiều bổng lộc. Tuy nhiên có bao nhiêu tiền thưởng, ông lại đem mua gái đẹp về làm thê thiếp, nhằm lấy âm dưỡng dương. Ông được phong tặng Đa Thọ vì sống đến 125 tuổi. Khi ông mất chỉ còn đứa chắt (đời thứ 4) làm ma chay vì vợ, con, cháu của ông đều đã chết hết cả. Chính vì tượng trưng cho sự “bách niên giai lão”, ông được dân gian khắc họa với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ, trán hói và dô cao, tay cầm quả đào.


Bộ Tam Đa được nhiều người, đặc biệt là doanh nhân và giới kinh doanh trưng bày để hút vượng khí.

Cùng với thời gian, ba vị thần này trở nên quan trọng và phổ biến trong nền văn hóa. Hiện nay, rất nhiều doanh nhân, dân kinh doanh trưng bày ba vị thần này trong phòng khách hoặc phòng làm việc, quầy kinh doanh. Tuy nhiên, họ rất ít thờ cúng ba vị thần này vì cho rằng chỉ cần trưng bày trong nhà cũng đủ hút vượng khí về chủ. Mặt của ba vị thần này nhìn ra hướng cửa chính và được đặt ở vị trí cao, trang trọng.

Người ta trưng bày ba vị thần này với đủ kích thức và chất liệu khác nhau. Người giàu có đặt những pho tượng lớn ở tiền sảnh. Kẻ trung lưu dùng tượng bằng gốm sứ, sơn son đẹp đẽ với kỳ vọng sẽ gặp nhiều may mắn. 


Một số sản phẩm, dịch vụ kinh doanh như bao lì xì, lịch, hình nền cũng 'ăn theo' ba vị thần này.

Nhìn chung, lời chúc phúc-lộc-thọ cho đến ngày nay vẫn bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp và là cái đích mà mọi người vẫn hướng đến, trao nhau mỗi độ xuân về.

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vào giây phút thiêng liêng giao điểm giữa đêm 30 và ngày đầu xuân năm mới, hãy nhắm mắt với trọn vẹn tâm hồn thuần nhất và hãy nói lên những ước mơ chân thành, vị tha và thánh thiện nhất. Hãy cầu chúc cho tất cả mọi người một năm mới xuân lan khắp chốn, phước lộc đầy nhà. Cầu chúc nhân sinh an lạc, thế giới hòa bình, nội gia quyến thuộc hai bên quanh năm vô lượng kiết tường như ý. 

Lời chúc phúc – lộc – thọ đầu năm có thể dùng cho bất cứ năm nào, bất cứ đời nào, vĩnh viễn được dùng với ý nghĩa tốt đẹp nhất. Có vô vàn lời chúc nguyện tốt đẹp trong thẳm mỗi chúng ta. Hãy cùng nhau làm những việc tốt đầu năm. Mang lời chúc ấy đến mọi người với tâm thái tốt đẹp, cũng là lúc chúng ta đi thênh thang trên con đường của tự do, hạnh phúc và an vui.

Diệp Vi (tổng hợp)

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM