Người vợ hai của Chủ tịch HĐQT Thaihabooks
Lớn lên trong một gia đình ở tỉnh Thái Bình, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm, lên lớp 4 đã phải đi dọn phân trâu, chăn trâu, cắt cỏ thuê lấy từng hào lẻ để cứu bản thân và các em khỏi thất học, nhưng cậu bé nghèo ngày nào giờ đã một doanh nhân thành đạt không hề nghĩ mình số khổ, hay kém may mắn.
Sự vất vả mà ông nếm trải chỉ là chiếc bàn đạp giúp ông hoàn thiện mình trên đường đời. Theo ông, giàu hay nghèo, sướng hay khổ đều do mình. Phật luôn trong ông và ông gọi chánh pháp là người vợ thứ hai trong kiếp này và muôn kiếp sau.
Mời độc giả chuyên mục Thiền của CafeBiz lắng nghe câu chuyện về mối lương duyên giữa vị doanh nhân này với người vợ thứ hai của mình. Ông là Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty sách Thái Hà (Thaihabooks).
Được biết, tuổi thơ của ông rất nhọc nhằn khi phải cắt cỏ thuê bán lấy tiền đi học. Có phải đó là lý do khiến ông làm giàu và trở thành doanh nhân?
Có một phóng viên đến hỏi một chàng trai “Tại sao anh trở thành trộm cắp, tại sao anh đi tù thế này?”. Anh ta trả lời “Thì bố tôi nghiện rượu, suốt ngày đánh chúng tôi, nhà thì nghèo xơ xác, chưa bao giờ tôi được một bữa no. Mẹ tôi thì hư hỏng, suốt ngày đánh chúng tôi. Trong môi trường như vậy, thử hỏi anh, tôi còn con đường nào khác ngoài trộm cắp và tù tội.”
Phóng viên đến hỏi tiếp người đàn ông thứ hai: “Nguyên nhân nào khiến anh trở thành tiến sỹ, tỷ phú, người nổi tiếng và thành công đến vậy?”. Anh ta trả lời “Thì bố tôi nghiện rượu, suốt ngày đánh chúng tôi, nhà thì nghèo xơ xác, chưa bao giờ tôi được một bữa no. Mẹ tôi thì hư hỏng, suốt ngày đánh chúng tôi. Trong môi trường như vậy, thử hỏi anh, tôi còn con đường nào khác ngoài phải học thật giỏi, làm việc ngày đêm, cống hiến hết mình?”
Một hoàn cảnh, hai anh em ruột mà hai số phận. Giàu hay nghèo, sướng hay khổ, tất cả tại mình. Sướng khổ tại anh. Tôi thích câu của Bill Gates đại loại, nếu anh sinh ra nghèo đói, lỗi không phải của anh nhưng anh chết đi trong nghèo đói, đó là lỗi của anh.
Ông có thấy số mình khổ không?
Tôi thấy mình quá may mắn, quá hạnh phúc. Tôi nghĩ ít ai trên thế gian này may mắn và hạnh phúc như tôi. Từ bé đến lớn, nhiều người có may mắn và hạnh phúc trong tay mà không biết nắm bắt. Phần lớn các cơ hội trôi đi mà chúng ta không dùng đến. Phần lớn chúng ta không đầu tư đúng cho giáo dục và đào tạo.
Thưa ông, có phải con người ta thường tìm đến đạo Phật khi họ buồn chán, bị stress hoặc thấy cuộc đời vô vị? Ông đến với đạo Phật từ bao giờ?
Theo đúc kết cá nhân của tôi, có 3 con đường đi đến với Đạo Phật. Thứ nhất là may mắn từ nhỏ. Nếu bạn sinh ra mà bố mẹ và gia đình đã theo Đạo Phật, bạn có may mắn là Phật tử từ nhỏ. Có khi là Phật tử từ trong bụng mẹ. Số này không nhiều. Nhóm thứ 2 thuộc nhóm chị đưa ra: thất bại, chán đời, bệnh tật,… Tiếc cho họ nhưng cũng chúc mừng họ vì họ may mắn nương nhờ vào những cái “rủi” này mà biết đến Đạo Phật.
Nhóm thứ 3 là do điều kiện và môi trường. Ví dụ, bạn vào làm việc tại công ty chúng tôi, muốn hay không bạn cũng đươc tiếp xúc với Đạo Phật, muốn hay không mỗi tháng bạn cũng “bị” ăn chay 2 ngày trong chánh niệm. Các tour du lịch công ty tổ chức là đi chùa, lễ Phật, niệm Phật. Sách Phật giáo xuất bản nhiều. 90% cơ hội bạn thành Phật tử hoặc bạn... tự bật ra khỏi bộ máy, tự văng ra khỏi dòng nước. Cũng có thể bạn tình cờ gặp được thầy tốt, bạn hiền, gặp được minh sư, tình cờ đến một nơi mà bạn ngộ ra ý nghĩa thưc sự của con đường do Đức Phật tìm ta. Nhóm thứ 3 này rộng hơn. Tôi thuộc nhóm 3.
Có lần ông bảo đạo Phật là người vợ thứ hai của đời ông? Ông đã chung sống với “người vợ” ấy như thế nào?
Tôi có viết một bài đăng trên báo “Mỗi người nên có 2 vợ 2 chồng”. Ý tôi, người vợ, người chồng thứ hai ở đây là chánh pháp. Vợ hay chồng của bạn có thể bỏ bạn, phản bội bạn nhưng chánh pháp thì không bao giờ. Chồng hay vợ bạn có thể dỗi hờn bạn, bỏ quên bạn, nhưng chánh pháp thì không có chuyện này. Phật luôn trong tôi. Đức Phật luôn bên tôi. Kiếp này và muôn kiếp mai sau (còn vợ hay chồng bạn có thể chỉ sống chung với bạn một kiếp mà thôi).
Có mối liên hệ nào giữa đạo Phật và kinh doanh, thưa ông?
Bạn nên tìm đọc những cuốn sách như “Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Harvard”, “Thành tâm để thành công”, “Sức mạnh của Đạo Phật”, “Năng đoạn kim cương”, “Quản lý nghiệp”, “Tu trong công việc”… đi đã. Nên đọc trước để hiểu và ứng dụng. Những người nổi tiêng như Steve Job, Bill Gates, Bill Clinton,… cũng là Phật tử mặc dù họ không tự chính thức công nhận.
Thưa ông, ngày càng nhiều doanh nhân tìm đến triết lý của đạo Phật. Theo ông là vì sao vậy? Họ tu để làm gì?
Thì theo 3 nhóm nguyên nhân tôi đã phân tích ở trên. Cái chính là họ nhận ra, nếu cứ lừa dối, cứ làm bậy thì cái giá phải trả quá lớn. Bệnh tật này. Phá sản này. Chia ly này. Bất hạnh này. Tiền bạc không là tất cả, chỉ là phương tiện thôi. Tôi tu để sống tốt hơn. Mỗi chúng ta tu để có Thành công, Hạnh phúc và Bình an. Thành công trong sự nghiệp, Hạnh phúc trong gia đình và Bình an trong cuộc sống)
Người xưa nói “phi thương bất phú”, phải chăng mục đích của kinh doanh chủ yếu để làm giàu? Điều này có mâu thuẫn gì với các triết lý Phật giáo hay không, thưa ông?
Người xưa nói đúng nhưng nhiều người hiểu sai. Kinh doanh đưa ta trở nên giàu có. Nhưng kinh doanh phải đúng đắn, phải đúng theo bát chánh đạo, tức chánh mệnh và chánh nghiệp. Không làm bậy, không gian dối. Làm đúng, cân đủ, vì lợi ích khách hàng và người tiêu dùng. Đạo Phật dạy ta kinh doanh tuyệt vời nhất. Chị cứ đọc kỹ các nguyên tắc đã nêu rất rõ trong cuốn “Năng đoanh kim cương” đi. Về chuyện này có lẽ tôi phải viết cho chị 10 bài báo! Ít nhất.
Triết lý nào trong đạo Phật ông khiến ông tâm đắc nhất?
Nhân quả. Người ta thấy cây nhờ quả! Chết là ở chỗ đó. Cứ nhìn thấy quả thì bảo đó là cây. Thi nhau hái quả. Người tu thấy cây nhờ gốc rễ. Chị nghe nhiều lần câu “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” rồi chứ. Người không tu cứ hậu quả đến lạ sợ, là lễ, là đi chùa. Người có đạo luôn nghĩ trước mỗi khi hành động, thậm chí trước khi nghĩ cái gì, nói điều gì. Nếu toàn dân hiểu luật nhân quả thì xã hội này thành thiên đàng chị ơi.
Nếu ứng dụng đạo Phật vào kinh doanh, yếu tố nào trong đạo Phật giúp doanh nghiệp thành công?
Nguyên tắc “cho và nhận”. Cho trước nhận sau. Nói cách khác là phụng sự. Phụng sự xã hội. Phụng sự cộng đồng. Các bạn cứ đọc kỹ hai cuốn “phụng sự để dẫn đầu” và “Trí óc, trái tim và khí phách” thì hiểu phải làm gì và làm như thế nào để giàu có và giàu có vĩnh viễn (tránh giàu và lại bị mất hết!)
(còn nữa)
TS Nguyễn Mạnh Hùng – pháp danh Thiện Đức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty sách Thái Hà (Thaihabooks) Ủy viên Ban chấp hành Trung ương hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ủy viên Ban chấp hành Trung ương hội Xuất bản Việt Nam. |
Tân Hoa