‘Thiên nga lũ lượt kéo về Venice’ chỉ là tin giả

04/04/2020 08:08 AM | Xã hội

Dù biết đây là fake news nhưng chúng ta lại có xu hướng tin là thật, có lẽ là vì muốn một chút gì đó tích cực giữa khủng hoảng do đại dịch gây ra.

Cách đây không lâu, tài khoản mang tên Kaveri Ganapathy Ahuja đã chia sẻ hình ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp của các con kênh ở thành phố Venice sau lệnh phong tỏa toàn quốc: Lần đầu tiên trong nhiều năm, dòng nước trở nên trong xanh hơn với cá bơi lội phía dưới. Những con thiên nga và cá heo cũng bắt đầu kéo về. Ngay lập tức, bài đăng đã trở nên viral trên Twitter.

Thế giới đã ghi nhận hơn 1 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, lệnh phong tỏa hay thiếu hụt vật tư y tế… đều là những tin tức nổi bật về tình hình đại dịch trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, câu chuyện tích cực như trên đã làm rất tốt nhiệm vụ "xoa dịu" người đọc. Thế nhưng chỉ hai tuần sau, cư dân mạng mới phát hiện ra đây chỉ là fake news (tin giả).

Những con thiên nga được cho là quay trở lại Venice hóa ra lại đang ở Burano, một hòn đảo nhỏ ở Ý. Trong khi đó, chú cá heo tung tăng bơi lội ở Venice thực ra đến từ một cảng ở Sardinia, biển Địa Trung Hải cách đó hàng trăm dặm.

Bài đăng của Ahuja đã nhận được 1 triệu lượt thích trên Twitter. Cô gái sống ở New Delhi, Ấn Độ, cho biết cô đã xem một số hình ảnh trên mạng xã hội và quyết định ghép chúng lại rồi đăng lên Twitter mà không hề biết rằng những con thiên nga trong ảnh đến từ Burano.

Sau khi biết sự thật, cô chia sẻ: "Bài đăng của tôi chỉ đơn thuần là chia sẻ thông tin tích cực trong thời điểm ảm đạm này. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ gây hại hay trở nên nổi tiếng như vậy".

Mặc dù vậy, Ahuja quyết định không xóa bài đăng trên vì cho rằng bức ảnh vẫn phù hợp vì đúng là nước ở Venice trong trẻo hơn bình thường. Hơn nữa, cô chưa bao giờ đạt được số lượt tương tác nhiều như vậy trên Twitter.

‘Thiên nga lũ lượt kéo về Venice’ chỉ là tin giả  - Ảnh 1.

Tin giả thường được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Erin Vogel, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Stanford cho biết việc nhận được rất nhiều lượt thích và bình luận khiến chúng ta cảm thấy thích thú không khác gì được trao giải thưởng. Đặc biệt trong tình cảnh hiện nay, người ta càng muốn "bấu víu" vào những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, việc lan truyền fake news (dù là tin tích cực) không phải là cách tốt và có thể khiến chúng ta cảm thấy mất lòng tin trong giai đoạn nhạy cảm hiện tại.

Susan Clayton, giáo sư tâm lý học và nghiên cứu môi trường tại Đại học Wooster bày tỏ quan điểm: "Tôi cho rằng mọi người thực sự muốn tin vào khả năng của thiên nhiên. Họ hy vọng, bất kể con người đã làm gì, thiên nhiên vẫn có thể phục hồi từ đó".

Theo một cuộc khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng một nửa số người Mỹ nói rằng họ đã tiếp xúc với các tin tức hoặc thông tin sai sự thật liên quan đến virus corona.

Tuy câu chuyện về những con thiên nga và cá heo ở Venice có thể không gây tổn hại nhưng một cách tương đối, nó vẫn có thể gây hại trong việc truyền bá hy vọng không có thật trong khủng hoảng. Theo Vogel, thà không biết gì còn hơn là tin vào fake news tích cực. Cô nói: "Tất nhiên tôi khuyến khích mọi người chia sẻ những điều tích cực nhưng chúng phải có thật".

‘Thiên nga lũ lượt kéo về Venice’ chỉ là tin giả  - Ảnh 3.

Duni

Cùng chuyên mục
XEM