Xuất khẩu thủy sản: 'Đồng EUR giảm giá mạnh chưa có ảnh hưởng lớn'

18/03/2015 11:42 AM |

Theo ông Dương Ngọc Minh – Phó chủ tịch Hiệp hội VASEP, xuất khẩu tôm ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, xuất khẩu cá tra ít bị ảnh hưởng lớn nhờ chi phí đầu vào giảm. Để đánh giá tác động cụ thể việc phá giá đồng Eur về dài hạn phải cần có thêm thời gian.

Nội dung nổi bật

- Đồng EUR giảm giá nhanh chắc chắn ảnh hưởng đến tiêu dùng của nước nhập khẩu. Tuy nhiên thủy sản là hàng thực phẩm – thuộc nhóm hàng thiết yếu.

- Châu Âu là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn thứ 2 nên việc đồng Euro mất giá nhanh sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm.

- Giá thành sản xuất con cá tra từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước nhờ chi phí thức ăn giảm.

- Xuất khẩu cá tra sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sự mất giá của các đồng tiền nhờ giá thành sản xuất giảm, khả năng cạnh tranh vẫn cao.

- Yếu tố tích cực cho hoạt động xuất khẩu là chi phí vận tải giảm, đặc biệt là vận tải hàng xuất khẩu.


Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và có mức tăng trưởng hơn 20% trong năm 2014. Đồng Euro đang giảm giá khá mạnh liệu có “cản trở” đà tăng trưởng của ngành không? Xung quanh vấn đề này chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc CTCP Hùng Vương (MCK: HVG), đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Thưa ông, sự kiện đồng EUR đang giảm giá mạnh tác động thế nào đến hoạt động XK thủy sản sang thị trường EU?

Thế giới có nhiều biến đổi trong vòng 1 tháng qua, nhiều quốc gia/khu vực đã tiến hành phá giá đồng tiền của mình, không riêng gì đồng JPY hay EUR. Họ tiến hành phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm. Chính vì thế, các hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này đều chịu ảnh hưởng, kể cả vào thị trường Mỹ. Kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

Trong lĩnh vực thủy sản Việt Nam, chúng ta đang xuất khẩu tôm vào các thị trường chủ yếu như Mỹ, EU, Nhật Bản nên ít nhiều chịu sự tác động từ sự phá giá của đồng EUR, trực tiếp là người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn. Đó là chưa kể đến khó khăn liên quan việc chuyển đổi giữa đồng bản địa (nước NK) và đồng USD.

Về cá tra, tôi cho rằng đồng Eur giảm giá tác động không lớn lắm. Bởi, giá đầu vào để sản xuất cá tra cũng giảm đi như: Nhà nước bỏ thuế VAT đầu vào, nguyên liệu đầu vào giảm, giá nguyên liệu nông sản trên thế giới cũng giảm, chi phí vận chuyển giảm đặc biệt là chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu.

Giá 1 tấn dầu đậu nành – nguyên liệu chính chế biến thức ăn cho cá năm 2015 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2014. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn cũng đã giảm giá khoảng 8% từ đầu năm 2015. Vì thế, giá thành sản xuất, nuôi trồng của nông dân giảm khoảng trên 10% mà vẫn có lãi.

Do đó, sự mất giá của đồng tiền 1 số nước/khu vực xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam không ảnh hưởng lớn đến con cá tra. Nguyên nhân là ta có thể giảm được giá thành sản xuất nên vẫn bán được hàng (đầu vào thấp hơn).

Vì vậy theo tôi, mức giảm giá các đồng tiền mạnh trên thế giới chưa có ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản Việt Nam. Vì đầu vào quan trọng để  sản xuất cá tra của chúng ta đang giảm. Mặt hàng của ta vẫn có thể cạnh tranh được. Muốn đánh giá cụ thể việc phá giá đồng tiền phải cần có thêm thời gian (1~2 năm).

Ít bị ảnh hưởng từ sự “mất giá” của đồng Euro nhưng giá bán giảm đồng nghĩa là chúng ta phải tăng được sản lượng mới đạt được tăng trưởng về giá trị của ngành, vậy theo ông chúng ta có thể tăng được sản lượng xuất khẩu thủy sản trong năm 2015 vào các thị trường này không?

Hiện chúng ta chưa đánh giá được sản lượng tiêu thụ sẽ tăng hay giảm vì mùa xuất khẩu chính là quý 2 và quý 4. Ngoài ra, do các đồng tiền phá giá, các đơn vị phải giảm tốc (giảm nhập khẩu) để xem xét. Các nhà nhập khẩu chỉ mua khi có nhu cầu thực sự (dự trữ đã hết).

Về lý thiết, việc phá giá đồng tiền của một quốc gia hay khu vực (EU) khiến sức tiêu thụ của người dân nước nhập khẩu giảm đi. Nếu kinh tế các nước này không tăng trưởng mạnh bù đắp đủ thì sức mua sẽ thấp. Tuy nhiên, thủy sản là mặt hàng thực phẩm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do đây là mặt hàng thiết yếu.

Nói chung, đồng EUR mất giá không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên, giá xuất khẩu phải giảm để duy trì sức cạnh tranh.

Chân thành cám ơn ông!

>> Goldman Sachs: 1 năm nữa, 1 euro = 0,95 USD

Thanh Giang

Cùng chuyên mục
XEM