World Bank: Tại sao quá trình cổ phần hóa DNNN tốn nhiều thời gian?

03/12/2014 16:19 PM |

Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã thống kê 12 bước cụ thể trong quy trình pháp lý cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Thời gian từ khi Bộ ban hành quyết định về cổ phần hóa đến khi doanh nghiệp nhận giấy phép đăng ký mới hết 17 tháng.

Theo báo cáo Điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam công bố sáng ngày 3/12, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định: Mặc dù tạo đà lớn hơn song tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn chưa đạt kết quả so với mục tiêu đề ra.

“Chính phủ đặt mục tiêu cổ phần hóa 200 DNNN vào năm 2014 và 232 vào năm 2015. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng này dự báo sẽ rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm và mức độ phức tạp của các DNNN thuộc diện phải cổ phần hóa” – báo cáo cho biết.

Báo cáo thống kê: Năm 2013, Chính phủ đã cổ phần hóa 74 DNNN, tăng gấp 3 lần số lượng DNNN cổ phần hóa năm 2011 và năm 2012, và vẫn tiếp tục duy trì đà này trong năm 2014.

Đến cuối tháng 9 năm 2014, đã có 71 doanh nghiệp được cổ phần hóa, trong đó 35 doanh nghiệp hoàn thành phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trên các thị trường chứng khoán, với sự tham gia vào cổ phần hóa của các DNNN lớn như Vietnam Airlines, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex).

World Bank cho rằng quá trình ra quyết định cổ phần hóa DNNN vẫn tốn nhiều thời gian và phải được đơn giản hóa để có thể triển khai một cách nhanh chóng và chắc chắn các hành động mang tính quyết định.

Quy trình pháp lý cổ phần hóa DNNN. Nguồn World Bank/Stoxplus.
Quy trình pháp lý cổ phần hóa DNNN. Nguồn World Bank/Stoxplus.

Theo bảng trên, doanh nghiệp cổ phần hóa phải qua 12 bước cụ thể. Theo đó, thời gian từ khi Bộ ban hành quyết định về cổ phần hóa đến khi doanh nghiệp nhận giấy phép đăng ký mới hết 17 tháng.

Chính phủ đã công bố tầm nhìn chính sách rõ ràng về cải cách DNNN. Tuy nhiên, triển khai đồng bộ sẽ là chìa khóa then chốt. Các mục tiêu cổ phần hóa cần được đưa vào kế hoạch triển khai cụ thể, khả thi và có thời hạn rõ ràng” – World Bank cho hay.

Hãy để DNNN đối mặt với cạnh tranh

Lý giải vì sao Việt Nam khó đạt mục tiêu số lượng cổ phần hóa DNNN đã đề ra, ông Sandeep Mahajan – chuyên gia kinh tế trưởng, Trưởng nhóm báo cáo của World Bank – cho rằng, có thể mục tiêu Chính phủ đề ra khá tham vọng để doanh nghiệp có thể đạt được.

Ông Sandeep cũng nhận định: “Chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN, đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu công bố để tăng tính minh bạch và khả năng giải trình tốt hơn để đạt tiến trình cổ phần hóa theo mục tiêu đề ra của Chính phủ”.

World Bank cũng kiến nghị nên có chương trình rà soát đánh giá hiệu quả của DNNN. Đây là chương trình lớn và kết quả phụ thuộc nhiều vào điều kiện thị trường và tính kiểm soát của Chính phủ.

Chúng ta vẫn có tiến bộ trong cải cách DNNN nhưng chúng ta vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Cách tốt nhất để tái cơ cấu DNNN là để họ đối mặt với cạnh tranh nhiều hơn, để họ có thể cải cách, có thể thay đổi” – ông Sandeep thẳng thắn.

>> Hoàn thành cổ phần hóa 432 DNNN trong năm 2015

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM