World Bank chỉ ra 3 thách thức của Việt Nam

05/10/2015 14:30 PM |

Dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu tiêu dùng trong nước mạnh. Tuy viễn cảnh trung hạn của Việt Nam nói chung là tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro, World Bank cho biết.

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa được World Bank công bố sáng nay, 5/10, cho biết: Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2015 của Việt Nam đạt 6% - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong khi các quốc gia khác tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng kinh tế giảm, Việt Nam và Philippines là 2 quốc gia đi ngược lại xu hướng này”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam, cho biết.

“Số liệu cho thấy tình hình kinh tế rất khả quan. Vấn đề tăng trưởng kinh tế khu vực chúng ta suy giảm, tuy có thách thức ở góc độ toàn cầu, nhưng Việt Nam cũng có khả năng tốt trong tăng trưởng”.

Theo báo cáo, Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực tạo động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế thế giới, đóng góp gần 2/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xét về tổng thể, ước tính toàn khu vực sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015, giảm một chút so với mức 6,8% năm ngoái.

Bức tranh tăng trưởng toàn khu vực khá đa dạng. Theo dự kiến, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7% năm nay, sau đó sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế chuyển hướng sang mô hình dựa vào tiêu dùng trong nước và dịch vụ, dẫn tới giảm nhẹ tăng trưởng.

Dự kiến các nước còn lại trong khu vực sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2015, tương đương với mức tăng trưởng năm ngoái. Các nước xuất khẩu hàng hoá như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Mông Cổ sẽ tăng trưởng chậm hơn và dự kiến thu ngân sách cũng thấp hơn trong năm nay do chịu tác động của giá hàng hoá thấp.

Các nước nhập khẩu hàng hoá vẫn tăng trưởng ổn định, thậm chí còn tăng trưởng mạnh. Ví dụ, Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,2% năm nay và 6,3% năm 2016.

Tuy nhiên tăng trưởng tại các nền kinh tế khác có qui mô nhỏ hơn sẽ giảm nhẹ. Tại Cam-pu-chia, sản lượng nông nghiệp giảm gây tác động xấu lên nền kinh tế nhưng mức tăng trưởng vẫn đạt 6,9% năm nay. Tại My-an-ma, trận lụt nghiêm trọng hồi tháng 7 có thể sẽ kéo mức tăng trưởng xuống còn 6,5%, so với mức 8,5% năm 2014. Các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng nhẹ.

3 thách thức của Việt Nam

Báo cáo chỉ ra rằng, Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức trung hạn: Kiểm soát nợ công, thực hiện cải cách cơ cấu (nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước) và kiến tạo môi trường thuận lợi hơn cho tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân.

- Nợ công: Mất cân đối tài khoá kéo dài đang gây quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng. Tình hình thu ngân sách năm 2015 cho tới thời điểm này cho thấy áp lực tài khoá còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015.

“Điều đó thể hiện thu hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng”, báo cáo nhận định.

Tổng nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách.

- Cải cách cơ cấu:

Tiến bộ trong quá trình tái cơ cấu không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phân tích độc lập đều nhất trí rằng cần đẩy nhanh tái cơ cấu thì mới có thể đạt mức tăng trưởng gần 7% và thực hiện tham vọng trở thành một nước hiện đại, công nghiệp hoá của Việt Nam.

Tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (thoái vốn nhà nước) đã chậm lại trong năm 2015. Hoạt động củng cố ngành ngân hàng (sáp nhập và mua bán ngân hàng thương mại) đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2015 nhưng nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn. Thiếu nguồn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, không có khung pháp lý phù hợp vẫn là những yếu tố cản trở Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thực hiện giải quyết nợ xấu.

- Bên cạnh đó, World Bank cũng bày tỏ quan ngại khi Việt Nam chưa tạo ra một sân chơi công bằng và bình đẳng cho các doanh nghiệp, để các nhà đầu tư có vị thế như nhau trên thị trường Việt Nam.

“Một số doanh nghiệp FDI chưa có một sân chơi thực sự công bằng so với doanh nghiệp trong nước”, ông Sandeep nói.

Báo cáo kết luận: Viễn cảnh trung hạn của Việt Nam nói chung là tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro tiêu cực. Dự kiến tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu tiêu dùng trong nước mạnh.

Một số chỉ số chính của Việt Nam:

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM