Vua tôm Minh Phú thua lỗ, nỗi đau của gã khổng lồ
Giá tôm giảm mạnh. Là cánh chim đầu đàn, Minh Phú chắc chắn không mong muốn như vậy. Thiệt hại của Minh Phú, nếu thị trường tiếp tục lao dốc, sẽ lớn hơn tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều bất ngờ. Công ty lỗ ròng gần 15 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lãi ròng vỏn vẹn 11 tỷ đồng, chưa đến 1% kế hoạch đề ra.
Còn nhớ, trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên gần đây – cũng là ĐHCĐ cuối cùng trước khi công ty này rời sàn – ông Lê Văn Quang (chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú) lạc quan cho biết với vị thế dẫn đầu thị trường tôm cả nước, Minh Phú nắm trong tay khả năng điều tiết thị trường. Công ty kỳ vọng năm 2015 tăng trưởng mạnh mẽ, rực rỡ với doanh thu và LNST đạt lần lượt 19.333 tỷ đồng và 1.452 tỷ đồng, mức tăng cho 2 chỉ tiêu này là 28% và 54% so với năm 2014.
Niềm hi vọng của Minh Phú là hoàn toàn có cơ sở, khi công ty đã có một thời gian dài kinh doanh khởi sắc, tăng trưởng từng ngày. Hiện Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới với doanh thu xuất khẩu đạt 700 triệu USD (năm 2014). Sân chơi của Minh Phú là thị trường toàn cầu – và sức ảnh hưởng của công ty này đến thị trường là không hề nhỏ.
Vậy, vì đâu mà Minh Phú lao dốc thảm hại như vậy?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Quang không giấu sự lo lắng trước tình hình kinh doanh gần như nằm ngoài sự kiểm soát của Minh Phú. Ông Quang cho biết doanh nghiệp của ông đã ngấm đòn tỷ giá, khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia phá giá đồng tiền quá mạnh. Trong khi đó, Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách “giữ giá” đồng nội tệ so với Đô la Mỹ. Chính điều này khiến hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó lòng cạnh tranh với các quốc gia nói trên.
Các doanh nghiệp từ Ấn Độ, Indonesia… đã chào bán tôm vào thị trường Mỹ vơi mức giá rẻ “không thể tin được”. Giá tôm trên thị trường thế giới đã giảm 30% trong nửa đầu năm 2015 – đó là điều mà Minh Phú trước đây chưa từng tiên liệu.
Minh Phú, với vai trò là một “ông lớn” trong cuộc chơi xuất khẩu tôm lại có rất nhiều điều khó nói!
Ông Quang cho biết, nếu Minh Phú quyết định chạy đua theo mức giá tôm thế giới, chắc chắn công ty không thua lỗ. Nhưng, với Minh Phú, khi công ty này tung một lượng hàng lớn, với mức giá siêu thấp (thấp hơn giá thành của công ty – câu chuyện giá thành chúng tôi sẽ đề cập sau) – thị trường tôm thế giới sẽ tiếp tục lao dốc thảm hại – không biết đến bao giờ mới vực dậy được. Là cánh chim đầu đàn, Minh Phú chắc chắn không mong muốn như vậy. Thiệt hại của Minh Phú, nếu thị trường tiếp tục lao dốc, sẽ lớn hơn tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác.
Quyết định của Minh Phú được đưa ra không hề dễ dàng.
Với mục tiêu duy trì sự phát triển lâu dài của thị trường, Minh Phú một mặt không “dám” ồ ạt xuất khẩu giá thấp, một mặt vẫn phải đảm bảo mua vào sản phẩm của nông dân với giá đủ để họ có lãi.
Đã có lúc, giá tôm thu mua tại Cà Mau xuống mức dưới 70.000 đồng/kg, thậm chí đạt mức 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân chỉ còn cách bỏ tôm, xoay qua nghề khác. Minh Phú buộc phải mua tôm từ nông dân với giá 80.000 đồng/kg – đảm bảo việc duy trì các đìa nuôi tôm, chuẩn bị trước cho giai đoạn thị trường phục hồi.
"Vậy, Minh Phú mua tôm về rồi xử lý như thế nào?"
“Chúng tôi lưu trữ ở hàng tồn kho, chứ làm sao mà xuất được” – ông Quang cho biết.
Quả vậy, hàng tồn kho của Minh Phú tăng vọt sau 6 tháng đầu năm. Từ mức 4.451 tỷ đồng lên 6.173 tỷ đồng. Chính sách giữ hàng tồn kho sinh ra hệ lụy tiếp theo, là công ty buộc phải vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, nợ vay dài hạn của Minh Phú tăng vọt từ 500 tỷ đồng lên mức 2.975 tỷ đồng.
“Với những khó khăn như ông đã nói, tôi cho rằng khoản lỗ của Minh Phú phải lớn hơn chứ?”
“Đúng, nếu chúng tôi tiếp tục duy trì các sản phẩm xuất khẩu truyền thống, kết quả 6 tháng đầu năm chắc chắn sẽ bi đát hơn. Tuy nhiên, Minh Phú đã tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tối thiểu hóa những thiệt hại do giảm sản lượng xuất khẩu gây ra"
Ông Quang cũng lạc quan cho biết, thị trường đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi khi giá tôm xuất khẩu tăng trở lại đôi chút. Tháng 7 và tháng 8 năm nay, sản lượng xuất khẩu tôm của Minh Phú đã bắt đầu tương đương cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, giá cả vẫn đang còn là một vấn đề. Chính vì vậy, việc hoàn thành kế hoạch năm 2015 gần như là không tưởng. Công ty sẽ cố gắng duy trì kết quả kinh doanh có lãi trong năm nay, ông Quang chia sẻ.