Vụ thay 6.700 cây Hà Nội: Cây bệnh thì chặt, người yếu có chôn?

24/03/2015 10:05 AM |

“Một loài cây sống ở độ cao 300 - 400m, đất tốt, thoát nước, đưa vào vùng đất sông Hồng cao độ cao 6m so với mực nước biển, mà lại bị bê tông hóa. Với kinh nghiệm, kiến thức của tôi, tôi cho rằng khả năng chết rất cao. Người Mèo cho xuống núi rất khó sống”.

Nội dung nổi bật:

- “Tôi sợ loại này không tồn tại, không lớn được. Tôi đã thử nghiệm trồng cây này tại nhà thì chết rất nhiều... Nó không hợp khí hậu. Người Mèo cho xuống núi thì cũng khó sống".

- Với lý do chặt các cây bệnh, cây chết, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Cây giống người, lúc khỏe, lúc yếu. Cây có 600 loại bệnh khác nhau nhưng các loại bệnh này đều có thể chữa được. Người cũng vậy, không phải khi yếu thì chôn".


Thay cây đồng bằng bằng cây vùng núi

Câu chuyện cây trồng thay mới ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây Vàng Tâm – một loại cây quý có tên trong Sách đỏ hay cây Mỡ - một loại cây giá rẻ thường trồng lấy gỗ làm giấy ở khu vực Tuyên Quang, Yên Bái, dù quan trọng, nhưng có lẽ quan trọng hơn là trồng cây ấy có sống nổi không, bao lâu thì cho bóng mát cho con đường đẹp nhất thủ đô này.

“Loài này sống được ở độ cao 300 - 400m, đất tốt, thoát nước, giờ đưa vào vùng đất sông Hồng, mà lại bị bê tông hóa. Với kinh nghiệm, kiến thức của tôi thì cây này khả năng chết rất cao”, TS. Nguyễn Tiến Hiệp – Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam, cho biết tại Tọa đàm Từ Đề án 6.700 cây xanh nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội diễn ra chiều 23/3.

“Tôi sợ loại này không tồn tại, không lớn được. Tôi đã thử nghiệm trồng cây này tại nhà thì chết rất nhiều... Nó không hợp khí hậu. Người Mèo cho xuống núi thì cũng khó sống. Hà Nội không vội được đâu, mà chúng ta lại quá vội trong việc chặt cây”. Cách chặt hạ cây tại thủ đô được nhiều người ví von còn 'nhanh hơn cả lâm tặc' ”.

Cho dù cây này có sống được, theo GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa XIII, 10 năm cũng không cho ra bóng mát khi cành cây này chỉ ngang cánh tay. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, cây này có hoa trong các tháng 2, 3, 4 và hoa tồn tại trong điều kiện tự nhiên 15 – 20 ngày. Ban đầu khi nở, hoa có mùi thoang thoảng, nhưng khi hoa già và rụng đi thì mùi “rất ghê”, “hoa rụng rất bẩn”.

“Cho dù cây mới có sống được cũng không nên trồng loại này. Không ai đưa cây này vào trồng trong đô thị”, TS. Hiệp khẳng định. “Thế hệ trước rất thông minh. Họ thích Vàng Tâm lắm, nhưng không làm”.

Cây bệnh thì chặt, người yếu có chôn?

Dẫn lời của một chuyên gia nông nghiệp 51 năm trong nghề, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Cây giống người, lúc khỏe, lúc yếu. Cây có 600 loại bệnh khác nhau nhưng các loại bệnh này đều có thể chữa được. Người cũng vậy, không phải khi yếu thì chôn. Có những cây ở nước ngoài bệnh bao nhiêu năm, nhưng người ta vẫn bảo vệ”.

Nói về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đô thị của Hà Nội, TS. Hiệp cho rằng Hà Nội chữa bệnh cho cây rất kém. “Cách cưa cây của Hà Nội cũng khác TPHCM. Cây là thực thể sống, sau khi cưa phải bôi thế nào để tránh mối mọt. Hà Nội thì không, cứ cưa là cưa. Như thế là diệt cây” – TS. Hiệp nhận định.

Với kỹ thuật lạc hậu, cứ cho là Hà Nội chặt cây với lý do “cây chết, cây bệnh” là đúng, thì dù trồng cây mới thì cây mới cũng sẽ tồi hơn cây cũ, ông Phó Đức Tùng - Chủ nhiệm bộ môn nông nghiệp đô thị - ĐH Lâm Nghiệp cho biết.

Cây bị bệnh là do kỹ thuật trồng... Với kỹ thuật trồng cũ, giá thể đã bạc màu, khả năng 1 cây trồng mới có thể được như 1 cây ốm yếu cũ còn khó. Đến 30 - 40 năm nữa chưa chắc cây trồng mới bằng được cây ốm yếu bây giờ” – ông Tùng chua xót.

“Với điều kiện như ở Hà Nội, cây nào còn dặt dẹo, còn ra lá, là còn tốt”.

Đừng để Thanh tra Hà Nội, mà phải đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc

“Tôi có may mắn được đi nhiều thủ đô các nước. Không có thủ đô nào rộng như thủ đô Việt Nam. Khi quyết định mở rộng Hà Nội, tôi đã trình bày về diện tích của các thủ đô trên thế giới. Theo đó, mình xếp thứ 3 sau Bắc Kinh mở rộng và Tokyo. Thủ đô chúng ta quá lớn, nhưng so với các nước khác rất đẹp, vì 2 lý do: Hồ và Cây.

Nhiều thủ đô hoành tráng về đường sá, nhà cửa, nhưng thua cây chúng ta. Hồ thì chúng ta biết rồi. Chúng ta lấp rất nhiều hồ. Trước đây, sau những trận mưa Hà Nội có bao giờ ngập đâu. Giờ thì Hà Nội có lúc ngập đến bụng, ngập cả xe đạp.

Lúc này, đau đớn thứ 2 là cây xanh. Chặt hạ 6.700 cây, tương đương 1/7 cây xanh Hà Nội. Đầu tôi 1/7 tóc rụng đi đã thành hói rồi.

Vấn đề đặt ra là truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này chứ không chỉ là tạm ngừng công tác để kiểm điểm.

Việc thanh tra không phải việc của Hà Nội, Hà Nội là thủ đô của cả nước. Việc này không phải bức xúc của Hà Nội, mà là bức xúc của cả nước. Truyền thông các nước như Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Trung Quốc... đều đã có bài viết chi tiết về việc này. Việc thanh tra là của Thủ tướng Chính Phủ. Chứ nếu là Thanh tra của Hà Nội, sẽ là rút kinh nghiệm, rồi lại rút kinh nghiệm, rồi lại thế" - GS. Nguyễn Lân Dũng.

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM