Vịnh Hạ Long: Không giao quyền quản lý nhà nước cho tư nhân
Thông tin từ tỉnh Quảng Ninh cho biết, chủ trương của tỉnh này là thực hiện mô hình hợp tác đầu tư công – tư trong quản lý khai thác các dịch vụ trên Vịnh Hạ Long.
Trước đây, du khách đến với Vịnh Hạ Long chủ yếu để tắm biển, thăm thú phong cảnh, mua sắm và tìm hiểu đời sống phong tục tập quán địa phương.
Hiện nay, nhu cầu của khách du lịch ngày càng tăng cao, họ không chỉ đến tắm biển, du ngoạn, tìm hiểu mà còn muốn nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí với những dịch vụ đẳng cấp.
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch hiện có ở Hạ Long khá nghèo nàn chưa đủ sức hấp dẫn để lưu giữ chân du khách lâu hơn hoặc khiến du khách đến, đi rồi trở lại. Do đó, tỷ lệ khách quay lại rất thấp; vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường kinh doanh lành mạnh còn nhiều điểm đáng bàn…
Các báo cáo thống kê cho thấy, thời gian khách lưu trú ở Hạ Long rất ngắn, chi tiêu bình quân trên khách du lịch chỉ vào khoảng 30 - 50 USD.
Nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của Vịnh Hạ Long đảm bảo phát triển bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương đấu thầu quyền kinh doanh các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, một mặt nhằm tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, mặt khác đẩy mạnh thu hút đầu tư để bảo tồn, khai thác hiệu quả Vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là thực hiện mô hình hợp tác đầu tư công – tư trong quản lý khai thác các dịch vụ trên Vịnh Hạ Long với hy vọng sẽ giải quyết được bài toán trên.
Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương tách chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác, thu phí Vịnh Hạ Long ra khỏi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chuyên sâu, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với di sản để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Vịnh Hạ Long (tài sản thiên nhiên vô giá của nhân loại).
Đồng thời, kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Vịnh Hạ Long để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản chuyên nghiệp hơn.
Còn đối với các chức năng, nhiệm vụ phát triển dịch vụ, khai thác, thu phí, tỉnh có chủ trương xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu từ phí Vịnh Hạ Long; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Do vậy, tỉnh Quảng Ninh đã mời các cơ quan, đơn vị tham gia để quản trị công tác khai thác, dịch vụ, thu phí Vịnh Hạ Long tốt hơn, hiệu quả hơn với hy vọng đơn vị được lựa chọn sẽ đa dạng hóa được dịch vụ sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn du khách, góp phần đưa du lịch Hạ Long đạt tầm quốc tế.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh nhất quán quan điểm, đây không phải là dự án, do vậy không có giao quản lý đất, mặt nước.
Vừa qua, có 2 đơn vị là Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Tuần Châu đề xuất được đấu thầu khai thác dịch vụ trên Vịnh Hạ Long.
Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch do Tập đoàn Bitexco đưa ra gồm 5 phần chính: Hiện trạng du lịch của vịnh, đề xuất phương án kinh doanh, đề xuất mô hình nhượng quyền, kế hoạch triển khai và năng lực của Tập đoàn.
Tập đoàn này đề nghị tỉnh nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm.
Phương án mà Bitexco đề xuất khá cụ thể: Phí nhượng quyền 3 năm đầu là 90 tỷ đồng, 3 năm tiếp theo là 130 tỷ đồng, sau đó là 160 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng được chia lại cho tỉnh Quảng Ninh theo tỷ lệ sau 3 năm đầu là 20%, 6 năm tiếp theo là 30% và sau 10 năm là 50%.
Hiện tỉnh Quảng Ninh mới xem xét ban đầu, chưa có quyết định giao, thời gian giao. Tỉnh Quảng Ninh đang yêu cầu các đơn vị hoàn chỉnh phương án, báo cáo tỉnh xem xét, quyết định.
Việc các nhà đầu tư đưa ra các ý tưởng khai thác dịch vụ trên Vịnh Hạ Long rất đáng được hoan nghênh. Song các ý tưởng đó cần được cụ thể hóa bằng các dự án và cần được thẩm định nghiêm túc từ các ngành chức năng của tỉnh.
Cùng với đó, việc phát triển Vịnh Hạ Long thành một điểm du lịch quốc tế nổi tiếng, đáng tự hào của Việt Nam rất quan trọng tuy nhiên vấn đề hợp tác công tư được giao như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cần phải được tính toán và cân nhắc kỹ.
>> Bitexco muốn nắm quyền thu phí Vịnh Hạ Long trong 50 năm
Theo Vũ Minh