Việt Nam xếp thứ ba trên thế giới về xuất khẩu giày dép
Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia, Hiệp hội Da giày, túi xách VN cho biết.
Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày, túi xách VN (Lefaso), sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước. Tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giầy dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Riêng sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, hiện đã có mặt tại trên 40 nước..
Việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) chuẩn bị có hiệu lực, như Hiệp định chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh kinh tế Á Âu, FTA với Hàn Quốc, FTA VN-EU, FTA với Liên Minh Hải Quan Nga-Belarus-Kazakhstan, và các Hiệp định của Khối ASEAN…đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày rộng cửa vào các nước hơn.
Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5 - 57,4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, từ đó giúp DN ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu. Đây không chỉ được coi là cú huých mà còn là cơ hội vàng cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tính riêng khối ASEAN, hiện khối này đã có Hiệp định FTA riêng với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. ASEAN cũng đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chung giữa ASEAN với cả 6 nước nói trên (ASEAN+6), hình thành một khu vực FTA lớn gồm 16 nước với dân số hơn 3 tỷ người. Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Á, Ấn Độ và Australia.
Theo đánh giá của Lefaso, các FTA sẽ có hiệu lực trong 1-2 năm tới, năm 2015 chưa có tác động trực tiếp tăng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng thừa nhận rằng tuy có nhiều lợi thế xuất khẩu nhưng ngành da giầy Việt Nam vẫn còn lận đận. Theo đó, 3 yếu điểm của ngành da giày hiện nay là:
1- Lận đận trong việc tìm hướng xuất khẩu, chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu (NPL) do nước ngoài chỉ định, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu.
2- Nguyên phụ liệu:
Một số loại nguyên phụ liệu chưa có hoặc có rất ít cơ sở sản xuất: giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, cactoong (texon làm đế trong), vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện (bằng kim loại, chất dẻo), keo dán và hóa chất. Các loại này hiện nay cung cấp dưới 20%.
Trong khi đó, chất lượng sản phẩm (nguyên phụ liệu) của một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (các chỉ tiêu cơ lý, thẩm mỹ như độ đều màu, bền màu ..., các yêu cầu về an toàn sinh thái). Các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhưng chưa đáp ứng được tiến độ giao hàng (do sự thay đổi mẫu mã nhanh chóng và thời gian cung cấp ngắn).
3- Trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giầy ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên sản xuất nguyên phụ liệu sẽ gặp khó khăn, đặc biệt hiện nay công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu đã ở mức rất cao. Đặc biệt, Việt Nam chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nguyên vật liệu ngành da giầy: da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất...