Việt Nam tham gia TPP: Cơ hội thay thế Trung Quốc làm “công xưởng của thế giới”

07/10/2015 10:07 AM |

Với thông tin đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, ông Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - nhận định: “Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất thay thế Trung Quốc cung cấp hàng cho nội khối. Đây là cơ hội lớn!”.

Ông nhìn nhận: TPP là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức lớn. Năm 2007, khi vào WTO, Việt Nam (VN) có nhiều kỳ vọng và thực tế thị trường có những phản ứng tốt. Năm 2007, cán cân tài khoản vốn thặng dư trên 18 tỉ USD, trong khi những năm trước cao nhất chỉ là 6 tỉ USD. Dòng tiền nước ngoài đổ vào rất lớn trong thời điểm đó.

Lần này, khi VN bước vào sân chơi TPP, chúng ta buộc phải thay đổi từ nội tại. VN phải chơi theo luật chơi chung, tuân thủ quy định cam kết. Một trong những điều quan trọng là những cam kết trong TPP không thể đảo ngược. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nghi ngờ VN có thể thay đổi các cam kết, môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên khi theo TPP, Việt Nam buộc phải thay đổi, các cam kết không thể đảo ngược. Như vậy, môi trường kinh doanh có thể lường trước được, giảm rủi ro cho rất nhiều cho các doanh nghiệp (DN).

Hiện Trung Quốc vẫn được đánh giá là công xưởng chế tạo của thế giới. Nhưng với TPP, VN có cơ hội thay thế Trung Quốc cung cấp hàng cho nội khối. Tuy nhiên, tham gia TPP cũng đặt ra nhiều thách thức. Cơ hội không tự tạo ra lợi ích. Việt Nam phải cố gắng nhiều.

Thứ nhất, trách nhiệm của Nhà nước phải rõ ràng và minh bạch hơn. Nhà nước cần chịu trách nhiệm với việc quyết định chính sách của mình. Nếu đưa ra các chính sách gây thiệt hại cho DN, Nhà nước phải bồi thường và DN có thể kiện bởi tham gia TPP, VN chấp nhận theo cơ chế dân chủ, Nhà nước và DN có thể kiện lẫn nhau. Vì vậy, yêu cầu cần đặt ra là các cán bộ nhà nước phải có trình độ về tư pháp tốt. Có đội ngũ về luật sư, đại diện pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của đất nước trước các vụ kiện.

Tham gia TPP, ngành dệt may và nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

- Dệt may thường được đưa ra làm ví dụ để cổ vũ cho việc VN gia nhập TPP trong lúc VN cũng có năng lực cạnh tranh tốt về ngành dệt may. VN có cơ hội trở thành một trong những tay chơi lớn cung cấp hàng dệt may trên thế giới.

Tuy nhiên, nguyên tắc TPP là bắt đầu từ sợi, vì vậy cần sản xuất được sợi tại VN, đó là điều chúng ta đang yếu. Hơn một tháng nay, nhiều Cty nước ngoài khảo sát khả năng chuyển dịch nhà máy sản xuất sợi và các sản phẩm khác hưởng lợi từ TPP sang VN. Ngay cả những DN Việt cũng đầu tư sợi. Tuy nhiên, sản xuất sợi ảnh hưởng lớn đến môi trường, nên nhiều tỉnh còn ngại.

Một vấn đề nữa là ảnh hưởng đến nông nghiệp. 60% dân số VN phụ thuộc vào nông nghiệp. Ngay khi chưa vào TPP, hàng nông nghiệp nhập khẩu đã tràn vào VN nhiều rồi. Hàng nông sản của các nước công nghệ cao, giá rẻ, ảnh hưởng thế nào với người nông dân là những thách thức mà chúng ta cần có giải pháp vượt qua.


Cty CP Việt Hưng đã đầu tư 3,5 tỉ đồng trang bị chuyền may tự động để nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Nam Dương

Cty CP Việt Hưng đã đầu tư 3,5 tỉ đồng trang bị chuyền may tự động để nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Nam Dương

Ông đánh giá thế nào về nhận định cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia TPP?

- Hiện nay, VN đang chịu mức thuế cao nhất trong các nước thành viên khi vào thị trường Mỹ và thị trường Bắc Âu. Khi vào TPP, mức thuế hạ xuống còn 0% với gần 90% dòng thuế. Từ mức thuế cao nhất trở về bằng nhau và về 0% là lợi thế lớn.

Về chuyển dịch cơ cấu thương mại, VN là nước có cơ cấu sản xuất hàng chế tạo khá tương đồng với Trung Quốc. Cơ cấu TPP cho phép VN có cơ hội thay thế TQ trong việc trở thành nhà cung ứng.

 

Ông Vũ Minh Bằng - TGĐ Cty CP may Hồ Gươm: TPP không ảnh hưởng nhiều đến người lao động

Cá nhân tôi cho rằng, việc VN gia nhập TPP không ảnh hưởng quá nhiều đến việc làm và NLĐ vì trước khi gia nhập hiệp định này, ngành dệt may vẫn luôn tăng trưởng khoảng 15 - 20%.

Tuy nhiên, TPP có những yêu cầu rất chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong khi có tới 60 - 90% sản phẩm dệt ở VN nhập từ các nước nằm ngoài TPP, đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì vậy, theo tôi, việc hội nhập có lợi ở chỗ giúp chúng ta chuyển đổi thị trường, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc.

Điều này cũng sẽ khiến các sản phẩm dệt may có giá thành cao hơn vì chúng ta hạn chế nhập nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc, điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các DN so với các quốc gia khác.

Mặt khác, khi gia nhập TPP, chúng ta cũng cần phải hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế -nguyên phụ liệu - may - phân phối và có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Điều này cũng góp phần tăng năng suất và tạo thêm việc làm cho NLĐ.

Bà Nguyễn Thanh Huyền - TGĐ Cty May 10: Cần tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao

Với TPP, cơ hội và thách thức là 50-50. Điều quan trọng nhất là TPP yêu cầu nguyên liệu đầu vào phải xuất xứ từ VN hoặc từ các nước tham gia TPP. Điều này làm tăng các áp lực cho DNVN, không phải may mà là dệt và các công nghiệp phụ trợ.

Trước tình hình này, các DN sẽ phải “cứng” trên thị trường của mình để không bị phụ thuộc nước ngoài. Thay vào đó, chúng ta phải tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, đầu tư công nghệ và đầu tư thời gian để nghiên cứu, để đầu tư để tự sản xuất ra sản phẩm của mình.

Nếu không làm được điều này, TPP sẽ là thách thức bởi chúng ta sẽ khó để cạnh tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia có 100% vốn nước ngoài. Trong thời gian tới, May 10 sẽ hình thành chuỗi cung ứng các công nghiệp phụ trợ (dệt, nhuộm…) phát triển nhanh. Hiện nay, chúng tôi đang tìm các nhà cung cấp trong nước có môi trường đầu tư tốt để thực hiện các đơn hàng.

KHÁNH LINH - HOÀNG GIANG ghi

 

 

Theo Lan Hương

Cùng chuyên mục
XEM