Vì sao TP.HCM không là môi trường đầu tư tốt nhất?
Đó là một trong hàng loạt câu hỏi mà ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã đặt ra tại Đại hội X Đảng bộ TP.
"Tại sao ai cũng thừa nhận TP.HCM là nơi có cơ hội làm ăn tốt nhất cả nước nhưng TP lại không phải nơi có môi trường đầu tư tốt nhất nước? Tại sao TP.HCM vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng?
Tại sao cán bộ báo cáo thì tốt rồi nhưng gặp doanh nghiệp và người dân vẫn còn than?... " - ông Võ Văn Thưởng nêu vấn đề tại phiên thảo luận ngày 15-10 về báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020.
Nguồn lực hơn sao phải đi sau?
Tiếp tục những câu hỏi “tại sao?”, ông Thưởng nói: Tại sao về nguồn lực của TP này không hiếm nhưng mỗi năm lại có một số chuyện đi sau người ta?
Ông đưa ra một nghịch lý: “Mô hình cải cách hành chính, áp dụng tin học ở quận 1 rất tốt, được các tỉnh đến học tập và được mời đi giảng dạy tại các học viện nhưng ở ngay TP lại không nhân rộng ra được các quận huyện mà chỉ có một vài quận huyện áp dụng?
Rồi ông tiếp tục đặt câu hỏi: “Tại sao TP này có thiết bị, công nghệ, đội ngũ trí thức như vậy nhưng có những năm công bố chỉ số áp dụng công nghệ thông tin lại thua các tỉnh lân cận. Nghe rất vô lý phải không?”
Một câu hỏi tại sao chung nhất là TP.HCM có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nhưng tại sao cạnh tranh nhân lực trong khu vực công lại không mạnh mẽ?
Và để trả lời một phần câu hỏi này, Phó bí thư thường trực Thành ủy dẫn chứng trong khi khu vực tư có sự cạnh tranh nhân lực rất cao thì khu vực công của TP.HCM, sự cạnh tranh lại thua miền Trung.
Chia sẻ với những vấn đề ông Võ Văn Thưởng đặt ra, ông Phan Thanh Bình - Ủy viên trung ương Đảng, giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng nhà nước nên tạo điều kiện thông thoáng để sinh viên ra trường có thể lập công ty, tự chủ lập nghiệp...
Còn trong lĩnh vực công, việc tuyển người sẽ siết lại, chọn lựa những người giỏi, qua thi tuyển nghiêm túc và đầu tư cho họ để phục vụ lĩnh vực công. Có như vậy mới làm cho sự cạnh tranh trong khu vực công được nâng lên.
Ông Bình cũng đặt tiếp vấn đề: hiện nay TP.HCM có mức tăng trưởng GDP gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Tại sao lại là 1,5 lần, có hơn nữa được không? Trong 5 năm tới, có vượt qua được không?”.
Theo ông Bình, cần phải “nghĩ lớn” và phân tích tận cùng để đạt được mục tiêu này.
“Tại sao?” là để gợi mở vấn đề
Chia sẻ với phóng viên, ông Võ Văn Thưởng nói ông nêu lên những câu hỏi “Tại sao?” không phải là ý kiến thảo luận mà để gợi mở vấn đề và muốn các đại biểu dự đại hội, muốn người dân thành phố cùng chung tay tìm câu trả lời, để TP.HCM phát triển và cất cánh hơn nữa.
“Nói chung là có rất nhiều câu hỏi tại sao? Từ những câu hỏi “tại sao” như vậy, chúng ta mới xác định tới việc “làm gì?” và kiểm soát như thế nào để TP này có môi trường đầu tư tốt nhất. Làm gì để TP này có cạnh tranh nhân lực tốt nhất?” - Ông Thưởng nói.
Theo ông Võ Văn Thưởng, TP phải làm tất cả để “ai, ông nào muốn làm ăn thì cứ lo làm ăn, để những rào cản bị dẹp bỏ, để người dân có tiền muốn đầu tư thì an tâm, tin cậy đưa tiền vào lưu thông, phát triển kinh tế … Để những chỉ số phát triển phải tương xứng với tiềm năng của TP, phải đạt được mức độ nào đó xứng đáng”.
Ông Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu trong giờ nghỉ tại Đại hội - Ảnh: T.T.Dũng.
Phải tạo sức ép để cán bộ vươn lên
Ông Võ văn Thưởng khẳng định: Đại hội cũng là lo cho dân, tổng kết cũng là tổng kết chuyện lo cho dân, rồi “tin dân, học dân, trọng dân” thể hiện ra sao trong thực tế cuộc sống, trong làm việc của cán bộ.
Theo ông Thưởng, trong nhiều nội dung cải cách hành chính vấn đề con người luôn là nội dung quan trọng. Có người nói rằng khi có quy định chính sách nào đó thì cán bộ chúng ta sẽ có đối sách, nghĩ cách để ứng phó chuyện đó.
Ông Thưởng dẫn chứng: "Ví dụ chúng ta quy định thời gian mấy ngày là phải hoàn trả hồ sơ thì đi kiểm tra chỗ nào cán bộ cũng làm đúng thời hạn.
Nhưng thật ra, người dân phải nộp hồ sơ đến mấy lần. Nộp hồ sơ xong rồi, 10-20 ngày sau “ổng” kêu lên bổ sung hồ sơ. 10 ngày sau kêu bổ sung lần nữa. Khi nào đầy đủ hồ sơ "ổng" mới bắt đầu tính thời gian giải quyết"
Chia sẻ với dẫn chứng của ông Thưởng, ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường cho rằng những vấn đề đó xuất phát nhiều từ yếu tố con người.
“Đặt ra những ví dụ như vậy, tôi cho rằng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cả đội ngũ cần phải quyết tâm để thực hiện công việc tốt hơn. Tôi tin rằng chúng ta có nhiều dư địa để cải tiến, cải cách và phát triển những nội dung chúng ta đang làm” - Phó bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định.