Vì sao NHNN giao chỉ tiêu xử lý nợ xấu trước 30/6?

29/01/2015 18:03 PM |

"Thông tư 02 sẽ có hiệu lực từ tháng 7 và dự kiến sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu 6 tháng cuối năm tăng lên. Ngân hàng nhà nước có lẽ muốn các ngân hàng nhanh chóng xử lý nợ xấu ngay từ đầu năm để giảm bớt áp lực vào cuối năm", báo cáo của công ty chứng khoán Hsc nhận định.

Trong năm 2015, NHNN đặt mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% vào cuối năm. Theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Ngoài ra nợ xấu bán cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 (số liệu lũy kế).

Tại thời điểm cuối 2014 nợ xấu bán cho VAMC là 123 nghìn tỷ đồng. Và theo chỉ thị trên thì con số này có thể tăng lên 150 nghìn tỷ đồng (tăng thêm 27 nghìn tỷ đồng) vào 30/6/2015 và 200 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015 (trong năm tăng thêm 77 nghìn tỷ đồng); theo mục tiêu đặt ra của VAMC.

Công ty chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC) nhận định rằng NHNN muốn thực hiện sáp nhập ngân hàng và xử lý nợ xấu đến ngày 30/6/2015. Theo đó ngày 30/6/2015 sẽ là một mốc quan trọng.

Thông thường các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng/xử lý nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC thường được các ngân hàng thực hiện không mấy vội vã vào đầu năm. Tuy nhiên năm nay mọi việc sẽ khác.Các ngân hàng chịu áp lực phải đẩy nhanh mọi việc ngay từ đầu.

Hơn nữa, Thông tư 02 sẽ có hiệu lực từ tháng 7 và dự kiến sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu 6 tháng cuối năm tăng lên. NHNN có lẽ muốn các ngân hàng nhanh chóng xử lý nợ xấu ngay từ đầu năm để giảm bớt áp lực vào cuối năm. Cũng có thể NHNN cho rằng nếu để mọi việc được thực hiện quá muộn thì sẽ có một số ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu của quy định mới.

Tốc độ bán nợ xấu năm nay cho VAMC sẽ tương đương 2014. Mục tiêu xử lý nợ xấu năm nay là khá tham vọng và có lẽ số liệu nợ xấu trong mục tiêu của NHNN là số liệu do các ngân hàng nộp về NHNN hàng tháng; và số liệu này thường rất thấp nên mục tiêu đề ra ở đây nếu xét theo khía cạnh này lại khá hợp lý.

Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 3,8% vào cuối tháng 11 so với 4,11% vào tháng 7/2014. Những hạn chế chính trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu là tốc độ trích lập dự phòng của các ngân hàng phụ thuộc vào lợi nhuận trước trích lập dự phòng thiếu khung pháp lý hiệu quả để tạo điều kiện thực thi các đề xuất liên quan.

"Theo đó sẽ khó có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu cho đến khi lợi nhuận của các ngân hàng cải thiện và/hoặc chính phủ nới lỏng quy định liên quan đến các đề xuất liên quan đến xử lý nợ xấu", chuyên gia của HSC phân tích.

>> Nợ xấu 'ám quẻ' lợi nhuận ngân hàng

Theo HỒNG HẢI

Cùng chuyên mục
XEM