Vì sao chưa thể bỏ ngay trần lãi suất huy động?

29/10/2014 10:14 AM |

Việc duy trì trần lãi suất tiền gửi cộng với sự nghiêm ngặt kiểm tra tính tuân thủ quy định, một mặt sẽ giúp hình thành một đường cong lãi suất ổn định, cơ cấu kỳ hạn với mức lãi suất được rõ ràng hơn.

Ngày 28/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 6%/ năm xuống còn 5,5%/năm và trần lãi suất USD là 0,75%/năm.

Trước đó, theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc hạ trần lãi suất huy động ngoại tệ sẽ giảm dần tình trạng tích lũy ngoại tệ, khuyến khích giao dịch tiền gửi bằng VND. Và động thái giảm trần lãi suất huy động VND sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn tín dụng. Mặt tích cực có thể ngay lập tức tác động lên thị trường chứng khoán và mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ được điều chỉnh từ 0,5% - 1,5%/năm.

Tuy nhiên về mặt lý luận, trên rất nhiều diễn đàn kinh tế tài chính vẫn đang tranh luận gay gắt về việc bỏ hay duy trì trần lãi suất tiền gửi. Mỗi trường phái đều đưa ra những quan điểm của riêng mình.

Có quan điểm cho rằng hiện giờ chưa phải là thời điểm chín muồi để bỏ trần lãi suất , do kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc, tiềm ẩn lạm phát, đặc biệt việc tái cơ cấu chưa được giải quyết dứt điểm, các ngân hàng yếu kém dễ làm tái diễn lại tình trạng cạnh tranh vô lối, giành giật khách hàng gửi tiền, làm méo mó thị trường tiền tệ.

Quan điểm còn lại, cho rằng việc áp đặt trần lãi suất là một động thái vừa sai lầm về lập luận, vừa không có hiệu quả, thậm chí có tác hại làm bóp méo sự vận hành của thị trường tiền tệ bởi những nguyên lý thị trường đã bị dẹp bỏ trong sự tồn tại của trần lãi suất.

Với quan điểm cá nhân, người viết cho rằng nên giữ trần lãi suất huy động, bởi nhiều lý do:

Thứ nhất, với một cơ chế thị trường chưa hoàn hảo, tình hình kinh tế vĩ mô chứa đựng nhiều bất ổn và thị trường tài chính có nhiều biến động thất thường thì sự can thiệp hành chính là một điều tất yếu. Sự can thiệp đó nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tình trạng ổn định của kinh tế vĩ mô. Do đó, trần lãi suất là một trong những công cụ tất yếu phải sử dụng đến.

Và sau 4 năm sử dụng, công cụ trần lãi suất (2010) đã đạt được mục tiêu dần ổn định thị trường tiền tệ. Mặc dù trong 2 năm đầu, các ngân hàng chật vật, ngột ngạt, căng thẳng với chiếc vòng kim cô mang tên trần lãi suất và hiện tượng lách trần, cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo…xuất hiện ngày một nhiều, nhưng mọi thứ có thể ví như thuốc đắng làm cơ thể có những biểu hiện khó chịu ban đầu và rồi sẽ dần hồi phục (kinh tế vĩ mô Việt Nam có nhiều triển vọng ổn định từ 2012 đến nay). Tuy nhiên, mức độ hồi phục chỉ mới trong ngắn hạn nên cơ chế trần lãi suất vẫn còn phải gánh vác trọng trách.

Thứ hai, thị trường tài chính Việt Nam được ví như hai quả bóng, một quả quá to chứa đựng nhiều bất ổn là thị trường tiền tệ và một quả quá nhỏ là thị trường vốn. Trong đó thị trường vốn lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế, nên mọi gánh nặng về vốn đổ dồn về thị trường tiền tệ, mà đặc biệt là thị trường tín dụng ngân hàng khiến các ngân hàng đã phải sử dụng vốn huy động ngắn hạn từ dân cư để tài trợ kịp thời cho các dự án đầu tư trung và dài hạn.

Vì vậy, có trần lãi suất huy động và hoạt động điều chỉnh giảm đã tác động trực tiếp khi nắm dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường vốn (các chủ thể kinh tế gửi tiết kiệm sẽ có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư sinh lời hơn như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản…), giúp lập sự cân bằng vốn hóa giữa hai thị trường này.

Ngoài ra, trần lãi suất tiền gửi được thiết lập cũng đã giúp dòng vốn trong thị trường tiền tệ đi đúng hướng vào khu vực sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc năm 2012, 2013, 6 tháng 2014 và góp phần cải thiện cán cân thanh toán của nền kinh tế.

Thứ ba, dưới quan điểm lịch sử cụ thể đòi hỏi NHNN phải sử dụng công cụ trần lãi suất huy động để thực thi chính sách tiền tệ. Kinh tế vĩ mô Việt Nam luôn có những đặc điểm riêng và các giải pháp giải quyết vấn đề phải có tính đặc thù phù hợp với những đặc điểm riêng đó. Ví dụ điển hình là các biện pháp bình ổn thị trường vàng trong Nghị định 24/2012/NĐ - CP mang sự đặc thù nhưng vô cùng hiệu quả, hoặc cơ chế xử lý nợ xấu thông qua công ty VAMC đã mang lại những bước đầu khả quan.

Theo đó, hiện trạng thị trường tài chính Việt Nam ngổn ngang những bất cập và kinh tế vĩ mô chứa đựng nhiều bất ổn, và dường như chính sách tiền tệ đang cán đáng cho sự ổn định của cả hệ thống tài chính. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ với các công cụ hoạt động phải tác động trực tiếp và ngay tức thời nhằm tối ưu hóa các mục tiêu điều tiết trong ngắn hạn (cụ thể là lạm phát, GDP, đầu tư…). Nên công cụ khung lãi suất, mà ở đây là trần lãi suất được ưu tiên sử dụng. Đồng thời, trong ngắn hạn các mục tiêu điều tiết chỉ mới dần ổn định, nhưng dài hạn vẫn tiềm ẩn những bất ổn, nên việc duy trì trần lãi suất là điều hợp lý.

Thứ tư, việc bỏ trần lãi suất trong thời điểm hiện tại sẽ tạo một sức ép lớn về hoàn thiện và sử dụng thành thạo, cũng như hiệu quả của những công cụ khác trong chính sách tiền tệ như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất tái chiết khấu…Đây là các công cụ tác động gián tiếp lên cung tiền để tạo tính lan tỏa và đạt được các mục tiêu điều tiết, nhưng tất cả đều có những độ trễ nhất định. Do đó, việc bỏ trần lãi suất trong thời điểm này khi mà độ tác động của các công cụ khác đang trong quá trình “tập tễnh” là một thách thức khá lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, NHNN cần tiến đến nguyên tắc thị trường và hoàn thiện các công cụ tiền tệ gián tiếp nhưng đầy hiệu quả trong các quyết sách của mình.

Thứ năm, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tiếp tục duy trì và quy định mức lãi suất hợp lý để định hướng kỳ vọng lạm phát và đảm bảo tính linh hoạt áp dụng (lãi suất tại Việt Nam đang gánh vác nhiều trọng trách như kỳ vọng lạm phát, tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp..). Cụ thể là đối với những NHTM có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, có thể tự ấn định mức lãi suất thấp xa với mức trần; trong khi những NHTM khác, uy tín thấp hơn có thể ấn định một mức lãi suất cao hơn nhưng trong khuôn khổ trần cho phép.

Việc duy trì trần lãi suất tiền gửi cộng với sự nghiêm ngặt kiểm tra tính tuân thủ quy định, một mặt sẽ giúp hình thành một đường cong lãi suất ổn định, cơ cấu kỳ hạn với mức lãi suất được rõ ràng hơn. Từ đó khuyến khích các tổ chức tín dụng huy động được nguồn vồn dài hạn và cơ cấu lại tốt hơn nguồn vốn của mình. Mặt khác, trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng cũng hỗ trợ tái lập sự ổn định trên thị trường tiền tệ, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh và dịch chuyển vốn giữa các NHTM trong điều kiện hệ thống TCTD đang trong quá trình tái cơ cấu.

Ngoài ra, trần lãi suất thiết lập cho kỳ hạn dưới 6 tháng và cơ chế thỏa thuận trên 6 tháng sẽ giúp các NHTM nâng cao ý thức cạnh tranh phi giá trong dịch vụ tiền gửi. Theo một khảo sát khách hàng về sự lựa chọn sản phẩm tiền gửi, tiêu chí dịch vụ tốt chiếm 28,67%, mạng lưới chi nhánh 23,44%, thái độ nhân viên 15,85%, lãi suất và khuyến mãi chỉ chiếm 13,66%, tiện nghi và sự thoải mái nơi giao dịch 12,65%, giờ hoạt động 5,3%.

Do đó, lãi suất không phải là yếu tố then chốt để cạnh tranh tiền gửi. Và trần lãi suất cộng cơ chế chế tài sẽ hướng các NHTM không còn cách nào khác là thay đổi tư duy cạnh tranh bằng lãi suất sang gia tăng dịch vụ, thái độ nhân viên và mở rộng mạng lưới chi nhánh – PGD. Từ đấy, dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ tiệm cận hơn với thế giới và gia tăng độ cạnh tranh so với các ngân hàng nước ngoài.

Khi nào sẽ dỡ bỏ trần lãi suất huy động?

Mọi chính sách tiền tệ trên thế giới đều hướng đến ổn định giá cả và tạo một nền tảng tài chính vững chắc. Và từ sau Nghị quyết 11/NQ – CP kèm việc triển khai hàng loạt các chính sách tiền tệ với trợ lực của trần lãi suất tiền gửi đã giúp kinh tế vĩ mô Việt Nam dần đi vào quỹ đạo ổn định (dấu hiệu chỉ mới tích cực trong ngắn hạn). Điều này có thể nhận thấy thông qua chỉ số CPI , GDP và sự tái lập trật tự ở thị trường tài chính. Do đó, vai trò của trần lãi suất không thể phủ nhận về tính hiệu quả trong các công cụ chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, sự hiệu quả này chỉ tồn tại trong ngắn hạn, về dài hạn thì các công cụ chính sách tiền tệ gián tiếp phản ánh nguyên tắc thị trường và giúp thị trường tài chính trở nên “cởi mở” hơn. Và câu hỏi đặt ra, khi nào NHNN sẽ dỡ bỏ trần lãi suất huy động?

Trong một phát biểu của thống đốc Nguyễn Văn Bình, đã cho biết cực chẳng đã mới sử dụng biện pháp hành chính can thiệp trong chính sách tiền tệ và chỉ duy trì trong ngắn hạn. Hòa với chủ trường này, trần lãi suất đã được dần dỡ bỏ, đầu tiên là trần được áp dụng cho tất cả kỳ hạn trên 1 tháng, tiếp đến là cơ chế tự thỏa thuận lãi suất trên 12 tháng, nay là cơ chế thỏa thuận lãi suất trên 6 tháng, và cuối cùng sẽ là tự thỏa thuận hoàn toàn khi tối ưu được các mục tiêu điều tiết trong chính sách tiền tệ. Lúc này, đường cong lãi suất được tái lập hợp lý giữa các kỳ hạn và các chỉ số ổn định tài chính được thiết lập.

>> Hạ trần lãi suất huy động xuống còn 5,5%/năm, lãi suất tiền gửi USD xuống 0,75%/năm

Theo NCS. Châu Đình Linh

Cùng chuyên mục
XEM