Vé máy bay đắt do... đại lý
Hành khách mua vé với giá cao hơn giá thực tế mà không biết các đại lý sử dụng các chiêu làm giá. Trong khi đó hãng hàng không cho rằng họ không kiểm soát, chịu trách nhiệm với đại lý cấp hai trở đi.
Các hãng hàng không quy định đại lý chỉ được hưởng phí dịch vụ xuất vé, phần trăm tổng số tiền bán vé được. Từ đây, các đại lý có ký hợp đồng với hãng hàng không đã bằng cách này cách khác cho phép những “chân rết” của mình tự do bán vé, tự nâng giá phí dịch vụ, bắt chẹt khách bằng phí “cà thẻ”, chọn mức giá thấp nhưng bắt khách trả tiền vé giá cao.
Tự nâng phí dịch vụ
Đại lý thu phí cà thẻ là sai quy định Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc đại lý thu phí “cà thẻ” 3% với thẻ tín dụng và 1% với thẻ ATM, ông Từ Tiến Phát, phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân Ngân hàng ACB, cho biết: “Việc thu phí của khách hàng là trái quy định, ngân hàng kiểm tra nếu đúng sẽ cắt hợp đồng”. Ông Phát cho biết theo quy định, khi khách hàng thanh toán bằng thẻ thì nơi bán vé hay điểm chấp nhận thẻ phải trả phí cho ngân hàng, không được thu từ khách hàng. Phí này được xem là nhờ thẻ ngân hàng mà cửa hàng bán được hàng. |
Mới đây, chúng tôi đến đại lý T.T.H. (đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP.HCM) yêu cầu mua một vé chặng TP.HCM - Hà Nội ngày 15-1-2014.
Sau khi hỏi tên hành khách, anh nhân viên tìm kiếm một hồi trên mạng rồi cho biết các mức giá vé của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA).
Theo đó chuyến bay VN 323 khởi hành lúc 7g20 và chuyến bay VN 240 khởi hành lúc 11g đều có giá 2,45 triệu đồng (đã có thuế và phí), chuyến bay VN 234 khởi hành lúc 9g40 giá 2,65 triệu đồng (đã có thuế và phí).
Tuy nhiên, trên hệ thống bán trực tuyến của VNA, cùng thời điểm chúng tôi thấy giá chuyến bay VN 240 và VN 323 chỉ có giá 2,31 triệu đồng, còn chuyến bay VN 234 có giá 2,53 triệu đồng, giá này đều đã có thuế và phí.
Tại đại lý của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hà Hải Nam (đường Trường Sơn, Q.Tân Bình), sau khi đặt mua vé máy bay chuyến VN 7224 sáng 21-1-2014 chặng TP.HCM - Hà Nội, chúng tôi được báo giá 3,05 triệu đồng.
Khi chúng tôi đề nghị được thanh toán bằng thẻ tín dụng, anh T., phụ trách phòng vé, cho biết sẽ thu thêm 3% tiền phí, còn nếu thanh toán bằng thẻ ATM mức phí sẽ là 1%. Cuối cùng chúng tôi đành trả tiền mặt. Đại lý đồng ý cho chúng tôi trả lại vé với điều kiện trước 18 giờ cùng ngày, “trễ hơn sẽ mất phí”, mức phí có thể lên đến 600.000 đồng.
Trên hệ thống bán vé trực tuyến của VNA, chuyến bay VN 512 từ TP.HCM đi Hà Nội ngày 17-1, chúng tôi thấy vẫn còn hạng vé giá 2,48 triệu đồng (giá tính luôn thuế và phí là 2,53 triệu đồng) nhưng đại lý G.N. (Quang Trung, Q.Gò Vấp) cho biết muốn mua vé chuyến bay này chúng tôi phải trả giá vé là 3,05 triệu đồng.
Còn bay với Hãng hàng không Jetstar Pacific lúc 18g15 ngày 17-1 giá do đại lý này báo là 1,698 triệu đồng, trong khi giá mua trực tuyến sau khi đã hoàn tất các thủ tục là 1,336 triệu đồng.
Khách hàng nắm đằng lưỡi
Ông H., tổng giám đốc một công ty hiện là đại lý cấp một của VNA, cho biết chỉ riêng hạng vé phổ thông chặng bay TP.HCM - Hà Nội của VNA đã có ít nhất 12 giá vé khác nhau, nên việc đại lý đặt vé hạng thấp thu tiền vé hạng cao là hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi mua vé, hành khách không thể biết mình bị “ăn chặn” theo kiểu trả tiền vé cao nhưng thực chất vé khách mua lại là hạng thấp. Về nguyên tắc, đại lý phải xuất hóa đơn ghi rõ các thông tin về giá vé, phí, thuế cho hành khách nhưng không phải đại lý nào cũng thực hiện điều này.
Các đại lý cấp hai, ngoài hưởng phí 50.000 đồng cho phí xuất vé (quy định của hãng hàng không) còn được hưởng thêm tiền thưởng trên giá vé từ đại lý cấp một.
Phó tổng giám đốc một hãng hàng không giá rẻ thừa nhận không kiểm soát được việc đại lý bán vé cao hơn giá thực tế trên hệ thống, vì đây là giao dịch thỏa thuận giữa khách hàng và đại lý.
Vị phó tổng giám đốc này cho biết từng trực tiếp xử lý nhiều vụ khiếu nại của khách hàng về việc mua vé giá cao hơn thực tế, đến khi xuống đại lý làm việc họ cho biết khách kia thường mua vé rất lâu mới trả tiền nên họ thu phí cao hơn để bù đắp việc này, đồng ý thì mua không thì đi chỗ khác, “thế là không phạt được mà khách thì bảo là bênh đại lý”.
Các hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách mua vé máy bay nên chọn các đại lý có bảng hiệu rõ ràng, bên trong đại lý có các bảng chứng nhận công ty được chọn làm đại lý chính thức của hãng để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Lời khuyên của các hãng hàng không là “khi mua vé nếu có thiết bị di động có kết nối Internet, khách nên kiểm tra song hành hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến các phòng vé của hãng để kiểm tra giá vé trước khi mua”.
Không quản được đại lý Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết trách nhiệm ở đây là của hãng hàng không, “họ phải chịu trách nhiệm về hoạt động và ban hành các quy định về bán vé trong hệ thống đại lý của mình”. Trong khi đó, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn VNA, cho biết hiện VNA có hợp đồng bán vé với hơn 300 đại lý, bản thân VNA cũng đã xử lý một vài trường hợp đại lý bán vé giá cao hơn giá trị thực của vé và hình thức xử lý phạt tiền cao nhất là 2 triệu đồng hoặc ngừng giao dịch, khóa tài khoản xuất vé. Tuy nhiên, ba đại lý đang bán vé máy bay giá cao, thu phí không theo quy định như Tuổi Trẻ nêu tên không phải đại lý có ký hợp đồng với hãng. Cũng theo VNA, về nguyên tắc khi hành khách trả lại vé trong thời gian 24 giờ và đại lý chưa xuất hóa đơn cho VNA thì khách không phải trả tiền phí. Thậm chí nếu hoàn trả trước giờ bay 24 giờ, khách chỉ phải trả 300.000 đồng. Các hãng hàng không giá rẻ cũng cho biết họ không có đại lý cấp một mà chỉ gọi chung là đại lý chính thức có ký hợp đồng cung cấp vé cho hành khách. Các đại lý này được thu 50.000 đồng phí xuất vé, hưởng phí phần trăm trên tổng số tiền vé bán được, không được thu tiền vé cao hơn giá vé bán của hãng. Biện pháp chế tài khi hành khách thông báo cho hãng mình bị lừa chỉ là “đại lý vi phạm sẽ bị đóng tài khoản, ngưng giao dịch”. |