Tương lai nào cho thủy sản Việt Nam năm 2015?
Năm 2014 xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở mức cao ở hầu hết các thị trường. Nhưng, yêu cầu kiểm soát dư lượng kháng sinh, khó khăn ở đoạn đầu của chuỗi giá trị sẽ là “con sóng lớn” của ngành trong năm 2015.
Với mức vượt kế hoạch 1 tỷ USD, lọt top 5 các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất cả nước, và là nhóm mặt “hàng thuần Việt” – hàm lượng FDI rất thấp duy nhất lọt top 10 nhóm mặt hàng chủ lực của Việt Nam, nhu cầu thủy sản đang cao ở các thị trường xuất khẩu, liệu ngành thủy sản có thể duy trì được đà tăng trưởng cao trong năm 2015?
Về nội tại doanh nghiệp: Chi phí nhiên liệu giảm, lãi suất đang ở mức thấp, lạm phát được kiểm soát là những yếu tố vĩ mô quan trọng giúp các doanh nghiệp “yên tâm” hoạch định kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phục vụ cho chiến lược phát triển trong năm 2015 và các năm tới.
Xét về dòng sản phẩm: Năm 2014, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhờ Tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Mặc dù năm qua diện tích nuôi tôm tăng mạnh, vượt kế hoạch nhưng thực tế cho thấy người nuôi tôm đang phải đối mặt với dịch bệnh ở Tôm, tình trạng “5 ăn 5 thua”, cũng như Việt Nam đang phải nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.
Cá tra là mặt hàng đóng góp vào giá trị xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Nhưng diện tích nuôi cá giảm; giá cá tra nguyên liệu luôn biến động, đạt được mức giá mà người nuôi có lãi không cao và chỉ trong thời gian ngắn rồi lại giảm làm cho người nuôi điêu đứng trong vòng lãi - lỗ khiến một số hộ nuôi phải treo ao, doanh nghiệp liên tục gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu.
Mặc dù vậy, tương lai ngành cá tra có thể vẫn lạc quan hơn nhờ: (i) giá dầu giảm giúp cho giá thức ăn cá giảm (chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng rất lớn - khoảng 70% trong cơ cấu giá thành cá tra), chi phí vận chuyển giảm; (ii) “Nội hóa ngoại tác” khi hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động diện tích nuôi cá nguyên liệu bằng việc tự nuôi toàn bộ hoặc giao cho các hộ nuôi gia công, vì vậy có một số doanh nghiệp có thể tự chủ tới 70% nguyên liệu sản xuất qua đó chủ động điều tiết để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.
Xét về thị trường: Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và EU năm 2014 đóng góp đến 40% giá trị xuất khẩu của ngành, tăng trưởng hơn 16% và hơn 22%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào đẩy mạnh xuất khẩu tôm. Điều này thể hiện thách thức lớn cho năm 2015 về khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị cao hay không, khi mà các rào cản thương mại phi thuế quan như thuế chống bán phá giá, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày một nghiêm ngặt hơn.
Bên cạnh việc áp thuế chống bán phá giá với cá tra, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ - DOC trong tuyên bố mới nhất đã tiếp tục giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam điều này đã ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu và ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Ngay như Cà Mau hiện có 8 doanh nghiệp bị áp thuế bình quân 6,37% đã tác động xấu đến xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ; giá tôm sú nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm 3-5%; thẻ chân trắng giảm 12-14% so với thời điểm trước khi Mỹ công bố áp thuế.
Thêm vào đó, việc kiểm soát dư lượng kháng sinh ở Tôm đang trở thành rào cản lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.
Mới đây, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng - Ủy ban Châu Âu (EC) đã có thông báo tình hình các lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất vào EU. Có 16 cơ sở chế biến có liên quan trong đó có mặt của cả những ông lớn trong ngành thủy sản đang niêm yết CP trên Sở Giao dịch Chứng khoán. Cơ quan thẩm quyền của EU đề nghị Việt Nam phải có giải thích và biện pháp khắc phục cho tình trạng trên trước ngày 09/01/2015. Sau thời hạn này EU có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn: Cấm nhập khẩu từ 16 doanh nghiệp bị cảnh báo này hoặc mạnh hơn ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU.
Năm 2014, xuất khẩu tôm sang EU tăng đến 72% so với cùng kỳ năm trước và là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Việt Nam.
Áp thuế chống bán phá giá và kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh đang là thách thức cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường truyền thống khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU. Nhưng bức tranh xuất khẩu thủy sản tương lai vẫn có những vùng sáng khi tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường mới là khá mạnh.
Xuất khẩu thủy sản vào các thị trường Canada, Hàn Quốc, Úc, Asean và các thị trường khác đang có mức tăng trưởng rất cao từ hơn 21% đến gần 74% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của các thị trường này có thể bù đắp sự sụt giảm (nếu có) đến từ 3 thị trường truyền thống nói trên. Tuy nhiên, điều quan trọng chắc chắn các thị trường đều hướng đến buộc các nhà sản xuất/chế biến thủy sản Việt Nam phải cải tiến là chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu làm tốt được điều này, chúng ta có quyền hy vọng vào duy trì mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu 2 con số trong tương lai của ngành.
Theo Thanh Giang