Trưởng đại diện IMF: Cải cách ngân hàng, cuối cùng ngân sách vẫn phải gánh nợ
Việt Nam phải công bố ra công chúng tình trạng tài chính thực của các Tập đoàn kinh tế và DNNN – các khách vay của hệ thống ngân hàng. Các DN này sử dụng tiền từ nguồn lực công để hoạt động, do vậy công chúng cần được thông báo về hoạt động của họ.
Nội dung nổi bật:
Trong bài viết gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đại diện IMF nêu ra 4 vấn đề lớn đối với việc tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam, gồm:
- Cần tăng nguồn lực cho VAMC
- Phải biết nợ xấu thực sự của ngân hàng
- Cần có nguồn tiền ngân sách để cấp vốn bổ sung cho ngân hàng
- Cần công bố tình trạng tài chính thực của Tập đoàn kinh tế và DNNN
Các doanh nghiệp này sử dụng tiền từ nguồn lực công để hoạt động, do vậy công chúng cần được thông báo về hoạt động của họ.
Trong bài viết về kinh tế vĩ mô của Việt Nam gửi tới Ngân hàng Nhà nước, ông Sanjay Kalra - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã dành nhiều lời nhất cho việc tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam.
“Sau gần 3 năm thực hiện, tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được một số thành quả. Rủi ro hệ thống trong khu vực ngân hàng đã giảm và được kiềm chế, thanh khoản đã được cải thiện đáng kể, lãi suất giảm và nhiều biện pháp đã được thực hiện để giảm và xử lý nợ xấu”, ông Sanjay nhận định.
Trong bài viết của mình, ông Sanjay cũng nêu bật lên 4 vấn đề chính của việc tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, cụ thể:
1. Cần tăng nguồn lực cho VAMC
Đi vào hoạt động năm 2013, VAMC đã tích cực mua nợ xấu của ngân hàng nhưng tốc độ mua nợ cần được đẩy nhanh hơn nữa.
Các ngân hàng cần thêm thời gian để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu được bán cho VAMC, trong khi đó vẫn còn nhiều vướng mắc pháp lý quan trọng cản trở việc chuyển giao quyền sở hữu khoản vay và tài sản thế chấp, và điều này gây cản trở quá trình xử lý nợ xấu.
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, VAMC cần có thẩm quyền lớn hơn trong việc xử lý tài sản đảm bảo; và cần giải quyết những trở ngại pháp lý trong việc xử lý tài sản đảm bảo trên thị trường mua bán nợ xấu. VAMC cũng cần có nguồn lực lớn hơn, cả về tài chính và nhân lực, để xử lý nợ xấu trên thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường này cần có đủ người mua và người bán để có thể hoạt động được và có thể cần có cả sự tham gia và kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài.
2. Phải biết nợ xấu thực sự của ngân hàng
Việc sáp nhập một số ngân hàng đã diễn ra hay đã được lên kế hoạch thực hiện trong năm 2015, giúp giảm gánh nặng quản lý hành chính đối với NHNN. Trong khi việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém giúp giải quyết các vấn đề trước mắt, chính phủ vẫn cần có một chiến lược toàn diện cụ thể và rõ ràng để tái cơ cấu ngân hàng.
Những kế hoạch này cần dựa trên kết quả thanh tra tại chỗ kỹ lưỡng, qua đó cho thấy mức độ nợ xấu thực sự và nhu cầu cấp vốn bổ sung của ngân hàng. Các kế hoạch này cần phân biệt rõ ngân hàng mất khả năng thanh toán và ngân hàng mất khả năng thanh khoản, buộc các cổ đông hiện tại phải gánh chịu tổn thất trước khi được bơm vốn mới, và xử lý nợ xấu.
Sáng kiến của NHNN mua lại 2 ngân hàng yếu kém là đáng hoan nghênh, nhưng đây chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền.
3. Cần có nguồn tiền ngân sách để cấp vốn bổ sung cho ngân hàng
Cần phải có nguồn tiền từ ngân sách cho chi phí cấp vốn bổ sung cho ngân hàng (và tái cơ cấu và cải cách DNNN, bao gồm cả giải quyết hậu quả của lao động dư thừa có thể phát sinh).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cải cách ngân hàng thường liên quan đến các nghĩa vụ nợ dự phòng đáng kể mà cuối cùng ngân sách cũng phải gánh chịu. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các ngân hàng thương mại nhà nước.
4. Cần công bố tình trạng tài chính thực của Tập đoàn kinh tế và DNNN
Một tỷ lệ đáng kể dư nợ của khu vực ngân hàng là cho các Tập đoàn kinh tế và DNNN. Vấn đề của hệ thống ngân hàng không thể giải quyết được nếu không giải quyết các vấn đề của khách hàng vay ngân hàng.
Do vậy, cải cách các Tập đoàn kinh tế và DNNN có ý nghĩa quan trọng. Bước đi đầu tiên là phải công bố ra công chúng tình trạng tài chính thực của các Tập đoàn kinh tế và DNNN, bao gồm cả bảng cân đối tài sản và báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tình trạng vay nợ hệ thống ngân hàng.
Các doanh nghiệp này sử dụng tiền từ nguồn lực công để hoạt động, do vậy công chúng cần được thông báo về hoạt động của họ. Một khi tình trạng tài chính thực sự của các doanh nghiệp này được công bố, có thể tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị của doanh nghiệp. Các kế hoạch này cần được xây dựng và thực hiện theo lộ trình thời gian cụ thể.