Trung Quốc thẳng tay cắt giảm gần 2.000 suất công chức

17/10/2013 16:32 PM |

"Bát cơm sắt" - thành ngữ ám chỉ công việc ổn định trong văn hóa người Trung Quốc.

Nội dung nổi bật:

- Kỳ thi công chức toàn quốc đang được chính phủ Trung Quốc mở cửa công khai. Hàng năm trong số các ứng viên, có trên 1 triệu người đạt tiêu chuẩn nhưng năm 2014 chỉ tuyển chọn 19.000 người.

- Sở dĩ công chức là nghề "ai cũng muốn" vì nó ổn định, phúc lợi cao, được xã hội trọng vọng...

- Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tích cực làm dịu cơn sốt công chức, tiến hành cải cách chế độ phúc lợi liên quan để tạo sự công bằng giữa các nhóm ngành.


Năm 2014, các cơ quan cấp chính phủ, tổ chức trực thuộc nhà nước và các cơ quan địa phương của Trung Quốc sẽ chỉ tuyển dụng 19.000 công chức, thay vì 20.839 vị trí như trong năm 2013.

Theo thông báo chính thức của Ban tổ chức Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội, kỳ thi công chức nhà nước năm 2014 tại nước này được mở cửa từ ngày 16/10/2013.

Cuộc chiến gắt gao và mong manh

Công tác tuyển chọn sẽ tiếp tục ưu tiên những ứng viên từng làm việc tại các cộng đồng cơ sở. Phần lớn vị trí tại các cơ quan cấp trên tỉnh sẽ đòi hỏi hai năm kinh nghiệm làm việc, 10% chỗ trống được dành cho các cử nhân đại học để trở về làm cán bộ tại các vùng nông thôn.

Một vị trí trong bộ máy nhà nước vẫn là công việc được theo đuổi nhiều nhất tại Trung Quốc mặc dù chính phủ nước này vẫn không ngừng cố gắng làm dịu "cơn sốt" công chức bằng nhiều biện pháp như khuyến khích thanh niên tự mở doanh nghiệp hay làm việc trong các cộng đồng cơ sở.

Theo thống kê, những ứng viên đạt tiêu chuẩn trong năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 1,3 triệu, 1,23 triệu và 1,38 triệu người. Những con số này cho thấy cơ hội để đảm bảo một vị trí trong khu vực công cực kỳ mong manh.

Ổn định, phúc lợi cao, xã hội trọng vọng, nhiều quyền lợi...

Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Bảo hiểm xã hội Trung Quốc Doãn Úy Dân cho biết ngoài việc kỳ thi công chức đem lại một con đường công bằng, công khai cho những người đang săn việc, áp lực việc làm trong thị trường lao động cũng là lý do khiến người người đổ xô thi công chức, chẳng những công việc ổn định mà còn được xã hội tôn trọng và hưởng phúc lợi đáng kể.

Mã Thanh Ngọc, giáo sư Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc cho rằng việc làm ngày nay cạnh tranh cao, ổn định thấp. Làm công chức thì không phải lo hai chuyện đó.

Viện trưởng viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc Trì Phúc Lâm nhận xét rằng người Trung Quốc xưa nay có thói quen sùng bái quan chức, truyền thống này cũng là một lý do đáng kể khiến ngành công chức trở nên vô cùng "hot". "Nền kinh tế thị trường đã tạo ra vô số cơ hội nghề nghiệp, nới rộng không gian phát triển cho mỗi cá nhân, nhưng nếu người dân vẫn thèm muốn quyền lực và những lợi ích "tặng kèm", xã hội đang có dấu hiệu suy thoái." Giáo sư Mã Thanh Ngọc cũng phát biểu rằng: "Nhiều người đang nghĩ việc leo lên nấc thang quan chức là con đường chắc ăn để đi tới thành công."

Trương Viên, một công chức được Bộ Tài Chính tuyển dụng từ hai năm trước kể lại rằng: "Cha mẹ tôi vốn là nông dân. Đối với họ, làm công chức là một công việc vinh quang. Ngày tôi nhận được thông báo tuyển dụng, bố tôi trước đây chưa bao giờ uống rượu nhưng hôm đó cũng phải nâng cốc chúc mừng tôi."

Những lợi ích đi kèm như được chính phủ "bao" chăm sóc sức khỏe, trợ cấp nhà ở, lương hưu cao... cũng là yếu tố khiến vị trí công chức trở nên hấp dẫn trong mắt người dân Trung Quốc.

Đập vỡ "bát cơm sắt"

Chu Kiện Quốc, giáo sư quản lý công tại Đại học Vũ Hán cho biết chỉ khi nào chế độ chăm sóc sức khỏe và lương hưu hiện tại được cải cách thành công, phúc lợi dành cho công chức mới được hạ xuống ngang với các nhóm xã hội khác, lựa chọn nghề nghiệp của người dân mới trở nên đa dạng hơn.

Viện trưởng Trì Phúc Lâm còn kiến nghị xây dựng hệ thống đánh giá chặt chẽ và cơ chế đào thải công chức để đập vỡ "bát cơm sắt" - thành ngữ ám chỉ công việc ổn định trong văn hóa người Trung Quốc.

Thùy Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM