TPP có thể chính thức ký kết vào ngày 4/2/2016
Đó là thông tin được bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cung cấp.
Cụ thể, bà Nga cho biết, theo kế hoạch, TPP sẽ được ký kết vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand, đoàn đàm phán Chính phủ đang chuẩn bị các tài liệu để ký kết.
Việc đàm phán TPP đã hoàn tất trong năm 2015 nhưng để được chính thức ký kết, TPP đòi hỏi phải được thông qua tại các quốc gia có nền kinh tế chiếm tỉ trọng lớn, như Mỹ và Nhật Bản.
Tại Mỹ, hiệp định TPP cũng gây ra ý kiến trái chiều khi bị coi là có thể tác động tới một số ngành đang được bảo hộ tại quốc gia này.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, các cam kết hội nhập góp phần giúp Việt Nam mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; giảm thiểu các rào cản thương mại, chế độ bảo hộ đầu tư cũng như minh bạch hóa các chính sách.
Không chỉ TPP, các hiệp định FTA khác như FTA với Hàn Quốc, với Liên minh châu Âu và cả AEC sẽ mở rộng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước đồng thời tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực, phát triển dịch vụ, đổi mới cơ cấu nền kinh tế.
FTA là một nhân tố quan trọng khiến giới đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới Việt Nam trong năm 2016 này.
Mặc dù vậy, việc hội nhập sâu đòi hỏi nền kinh tế phải có sự chuẩn bị để tránh một cú sốc có hại. Có thể thấy việc cắt giảm thuế lớn của các FTA sẽ khiến giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó là sức ép từ hàng hóa, nhân lực và công nghệ chất lượng cao từ các nền kinh tế mạnh hơn trong FTA. Các ngành quan trọng đang được bảo hộ tại Việt Nam như nông nghiệp, mía đường sẽ cần thời gian để thích nghi trước khi các rào cản bị tháo gỡ hoàn toàn.
Ngay cả các DN trong khối tư nhân cũng sẽ gặp khó khăn trước các FTA.
Đại diện Bộ Công thương cũng đưa ra một số giải pháp đối với Việt Nam trước thềm hội nhập sâu rộng.
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, tài chính ngân hàng, chi tiêu công và doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành có lợi thế, định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành không có khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.