TPHCM đã bị xếp vào 1 trong 10 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất toàn cầu.
Ô nhiễm không khí rất độc hại đối với sức khỏe con người, đây là nguyên nhân gây ra các bệnh đường hô hấp, bệnh ung thư phổi.
Gần 20 năm qua, chương trình quan trắc không khí đã được triển khai tại TPHCM với 6 trạm đặt tại những điểm nóng về giao thông, 9 trạm quan trắc không khí tự động để đo các thông số bao gồm NO2; CO; bụi tổng; hàm lượng chì; tiếng ồn và hệ thống quan trắc phóng xạ, benzen, toluene, xilene. Thực tế cho thấy mức ô nhiễm không khí ngày càng tăng.
Trong vòng 5 năm qua có 98% kết quả từ các trạm quan trắc không khí bán tự động không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN).
Những tháng mùa khô nồng độ bụi trung bình lên tới 1,47mg/m3 vượt 5 lần QCVN. Cùng với bụi, 45% giá trị quan trắc nồng độ NO2 và 67% giá trị quan trắc nồng độ benzene… cũng vượt QCN.
Theo PGS/TS Nguyễn Đinh Tuấn không khí ở khu vực ven đường tại TPHCM đang bị ô nhiễm chủ yếu do bụi lơ lửng, benzen và khí NO2. Tại khu vực dân cư, nồng độ chì có nhỏ hơn quy chuẩn cho phép nhưng vẫn khá cao so với quy chuẩn của nhiều nước.
Đây có thể là hệ quả gây nên từ xăng dầu bởi thời điểm hiện tại TPHCM có khoảng 447.000 xe ô tô, 5 triệu xe gắn máy và khoảng 60.000 xe ô tô mang biển số từ các tỉnh khác lưu thông. Tình trạng kẹt xe liên tục trên các tuyến đường khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.
Mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người dù đã được cảnh báo nhưng hiện nay trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng còn quá ít nghiên cứu về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tật nên người dân vẫn còn thờ ơ với “án tử” bay lơ lửng.
Theo Vân Sơn
Dân trí
duchai