TP.HCM: Ì ạch các dự án bệnh viện vệ tinh
Trước tình trạng quá tải của hệ thống bệnh viện (BV), từ 2007 TP.HCM khởi động chương trình kêu gọi và thu hút đầu tư xây dựng 8 BV quy mô hiện đại tại các “cửa ngõ” ra vào thành phố.
Tóm tắt
- Đến nay chỉ có duy nhất BV Nhi đồng Tp.HCM đã và đang được đầu tư xây dựng. Còn lại, 7 dự án BV khác hầu như “an binh bất động”, cái thì thiếu vốn đầu tư, cái thì gặp nhiều khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, những dự án khác thì chưa có thiết kế cơ sở...
Theo kế hoạch, từ 2007 đến năm 2015, Tp. HCM sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng 8 BV khu vực cửa ngõ gồm Bệnh viện nhi đồng, Bệnh viện ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, Trung tâm xét nghiệm y khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ sở 2 và các bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn.
Đến cuối năm 2015, diện tích sàn sử dụng bệnh viện khu trung tâm tăng thêm 150.000 m2, tương đương 2.000 giường, 15 bác sĩ/10.000 dân và đến năm 2020 đạt 20 bác sĩ/10.000 dân. Đây là một trong 10 mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ mang tính cấp bách của TP.HCM giai đoạn 2012 – 2020.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có duy nhất BV Nhi đồng Tp.HCM đã và đang được đầu tư xây dựng. Còn lại, 7 dự án BV khác hầu như “an binh bất động”, cái thì thiếu vốn đầu tư, cái thì gặp nhiều khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, những dự án khác thì chưa có thiết kế cơ sở...
Chẳng hạn, dự án đầu tư xây dựng BV Ung Bướu 2 được UBND thành phố phê duyệt ngày 4/4/2015 với tổng mức đầu tư khoảng 5.800 tỷ đồng để kịp thời khởi công vào cuối tháng 4/2015. Tuy nhiên do cơ sở pháp lý dự án chưa đảm bảo nên đến nay dự án này vẫn còn… trên giấy.
Một khó khăn mà thành phố gặp phải là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án có diện tích đất sử dụng khá lớn này. Mặc dù theo sự cam kết, thành phố sẽ sớm có đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng lĩnh vực này luôn có nhiều vướng mắc, khiếu kiện về chính sách đến bù giải tỏa nên rất cần sự tham gia của nhiều cấp liên quan, sự đồng thuận của người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Điển hình là BV Chấn thương chỉnh hình đã được UBND thành phố giao đất tại khu 6A thuộc Ban Quản lý khu Nam, huyện Bình Chánh từ lâu nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn giải tỏa đền bù. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 30.000m2, đã được thông qua thiết kế cơ sở nhưng do vướng đền bù nên dự án cũng đang khá ì ạch.
Một lãnh đạo của Sở Y tế Tp.HCM cho biết, với nhu cầu khám chữa bệnh tăng chóng mặt như hiện nay thì hạ tầng cơ sở hiện tại của các BV, đặc biệt là các BV chuyên khoa là điều đáng bàn bạc và tìm cách tháo gỡ thì mục tiêu giảm tải hệ thống BV của thành phố mới được giải quyết. Ngược lại, có một số dự án chỉ còn vướng một hoặc hai hộ dân nhưng đã làm toàn bộ dự án rơi vào “bế tắc” kéo dài.
“Trong thời gian tới, để “thoát” khỏi thực trạng trên, thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp giải tỏa đền bù, mô hình kêu gọi đầu tư, trong đó cần phải xã hội hóa đầu tư một cách mạnh mẽ thì mới hy vọng thu hút được nguồn vốn trên cho các dự án đã được quy hoạch”, vị này cho biết.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, sắp tới Thành phố sẽ rà soát lại toàn bộ công tác thực hiện quy hoạch các dự án BV cửa ngõ này, tiếp đến sẽ đồng loạt triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế, trong đó tập trung kêu gọi vốn đầu tư xây dựng các dự án trên.
Thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu y tế để kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, huy động nhanh nguồn vốn đầu tư. Lĩnh vực đầu tư y tế đòi hỏi trách nhiệm cao nên từng bước Tp.HCM sẽ thí điểm thực hiện 1-2 dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) dựa trên tiêu chí “chọn mặt gửi vàng”, nếu thành công và mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội, từ đó áp dụng mô hình đầu tư này một cách rộng rãi để sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, để có được nguồn vốn đầu tư khá lớn như trên, thì trước hết thành phố phải thực hiện ngay việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế tài chính vì một khi cơ chế tài chính trở nên thông thoáng sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế.