Tìm đường đi buôn giữa 'thánh địa hàng lậu' (Kỳ 1)
Thực tế cho thấy, việc "đánh" lậu hàng hoá từ TQ về Việt Nam đang trở thành mối lo ngại lớn. Bằng chứng cho thấy, tôi chẳng phải thông minh sáng láng gì nhưng cũng chỉ sau vài cú nhấp chuột, tôi đã có trong tay một lịch trình rất cụ thể và cơ số các liên lạc trợ giúp cho một hành trình đầy mạo hiểm. Bây giờ, việc tôi cần là chuẩn bị một chút chi phí, đeo ba lô lên vai và chính thức gia nhập vào đường dây "đánh" hàng lậu…
Vào vai diễn "cặp đôi hoàn hảo"
Một ngày giáp Tết Quý Tỵ, cô bạn thời đại học bỗng gọi điện thoại cho tôi, liến thoắng rủ rê... đi buôn. Tôi còn chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, Tâm (tên cô bạn) đã dập điện thoại sau khi "chốt hạ": "Kiếm quán cà phê, tớ đến ngay!". Tôi liếc đồng hồ, lúc ấy là 16h chiều.
Dịch vụ "buôn lậu khép kín"
Việc thu thập kinh nghiệm để có một chuyến "đánh" hàng trót lọt từ Trung Quốc về Việt Nam hóa ra cũng khá mất công. Trên Internet, bằng các thủ thuật tìm kiếm, tôi đã lần ra không ít trang web lẫn diễn đàn bàn thảo sôi nổi về việc nên "mua gì?", "ở đâu?" và "đi lại thế nào?"... cho một người mới bước chân vào giới buôn bán hàng hóa TQ đầy mời gọi. Tuy nhiên, có một nghịch lý là hầu hết những trang mạng trên đều chỉ hướng dẫn người ta đi... buôn lậu, tức là sẽ mang hàng TQ về Việt Nam mà không phải trả một xu tiền thuế nào cho Nhà nước. Và một trong những địa điểm được đại đa số "con buôn" lựa chọn để lấy hàng là thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) của Việt Nam chừng 900km sâu vào hướng nội địa. Theo tìm hiểu, Quảng Châu có thể cung cấp được tất cả những gì thế giới cần, nhưng mạnh nhất vẫn là mặt hàng vải vóc và quần áo.
Sau chừng gần nửa ngày miệt mài nghiên cứu và cân nhắc thiệt hơn, tôi đã có trong tay khá nhiều số điện thoại của các đầu mối về vấn liên quan như vận tải, khách sạn, dẫn đường... đủ để tôi bắt đầu tự tin nghĩ tới 1 cuộc khám phá đầy kỳ thú, để tìm hiểu ngọn nguồn của các mặt hàng giá rẻ từ Quảng Châu, mặc dù bản thân không biết nửa chữ tiếng Tàu.
Theo tìm hiểu, ở Hà Nội có một vài công ty (tổ chức) rất có "danh", họ sẵn sàng đứng ra nhận thầu "trọn gói" chuyến đi buôn của khách. Cụ thể, loại hình dịch vụ này sẽ lo liệu tất cả, việc của khách hàng chỉ còn là sang Quảng Châu chọn hàng rồi về lại Việt Nam nằm khểnh chờ đợi, hàng sẽ được giao đến tận tay sau tối đa một tuần lễ. Chi phí của dịch vụ trọn gói này tuy có cao hơn một chút so với việc khách hàng tự túc liên hệ các dịch vụ riêng lẻ. Đây cũng có thể xem là một sự "tiếp tay" đầy ranh mãnh thể hiện sự liên kết quá bài bản cho việc tổ chức các dịch vụ "ngầm", gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nội địa.
Trước khi khởi hành, chúng tôi cũng đã nhanh chóng khám phá ra, đằng sau "dịch vụ" đi buôn lậu này, có đủ các loại "cò". Họ có thể tham gia vào bất kỳ việc gì để "hỗ trợ" dân buôn lậu. Và khi ấy, mọi việc còn trở nên nan giải hơn rất nhiều...
Theo tìm hiểu của PV, đang nghễu nghện ở vị trí số một tại Việt Nam về loại hình dịch vụ "buôn lậu khép kín" từ Trung Quốc về Việt Nam là công ty TNHH Đ., có trụ sở đặt tại khu phố cổ Hà Nội. Ngoài thương hiệu đang rất được lòng những "con buôn", công ty Đ. còn có riêng cho mình một chuỗi khách sạn tại thành phố Quảng Châu, chuyên để phục vụ ăn nghỉ cho khách Việt Nam sang nhập hàng. |
Theo Long Nguyễn