Thưởng Tết Ất Mùi 2015: Người vui, kẻ buồn
Trong khi người lao động (NLĐ) đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoản thưởng Tết Ất Mùi 2015 lớn hơn mọi năm thì các thầy, cô giáo lại chua chát bởi tiền thưởng quá khiêm tốn.
Là công nhân làm việc tại Công ty CP Giấy Sài Gòn gần 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Hiền (quê Bình Định) không giấu được niềm vui khi chia sẻ về chuyện thưởng Tết. "Được gần 10 triệu đồng, anh ạ. Chưa có năm nào tôi được tiền thưởng Tết lớn như năm nay. Sau 5 năm không về quê ăn Tết, năm nay tôi lại được sum vầy với gia đình" - Chị Hiền thổ lộ.
Với khoảng 1.000 NLĐ đang làm việc, Công ty CP Giấy Sài Gòn đã lên kế hoạch thưởng Tết Ất Mùi 2015 từ cả tháng nay. Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc công ty cho biết, năm nay công ty thưởng Tết cao trung bình từ 30 đến 50% so với năm ngoái. Cụ thể, tùy vào hiệu quả làm việc và sự cống hiến của từng NLĐ, trung bình thưởng Tết từ 5 triệu đồng đến 40 triệu đồng/người.
Còn tại Công ty CP Việt Hưng (chuyên may mặc xuất khẩu và sơmi nội địa, quận 12), ông Phan Công Minh, TGĐ công ty cho hay, với gần 2.500 lao động, công ty sẽ thưởng Tết bình quân 2,5 tháng lương (khoảng 12 triệu đồng/người). Ngoài ra, mỗi công nhân còn được thưởng một phần quà trị giá khoảng 500.000 đồng.
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, khoảng 25% DN đã có báo cáo tiền thưởng Tết Ất Mùi 2015. Trong đó, tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng của khối này cao nhất, lên đến trên 300 triệu đồng; thấp nhất cũng hơn 3 triệu đồng. Khối DN tư nhân, công ty hợp doanh, công ty cổ phần không có vốn của Nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất có nơi lên đến 303,5 triệu đồng.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, trong số các DN báo cáo, có 139 DN thông tin gặp khó khăn trong việc thưởng Tết nhưng cam kết thực hiện trả lương, thưởng đúng hạn.
Thầy, cô giáo ngậm ngùi
Trái ngược với NLĐ ở các DN trên, các thầy cô giáo - những người "trồng người", lại "nghèn nghẹn" chuyện thưởng Tết. Trao đổi với chúng tôi thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho biết, mức thưởng cao nhất trên địa bàn quận chỉ 1,5 triệu đồng/giáo viên.
Giáo viên bậc giáo dục mầm non và tiểu học phải chịu nhiều thiệt thòi về thưởng Tết. Cô Bạch Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao (quận Tân Bình) chia sẻ, giáo viên mầm non thường xuyên phải đứng lớp từ 8 đến 10 giờ/ngày nhưng vì trường đông giáo viên, mỗi lớp học thường có tới 2 đến 3 cô, trường chỉ đủ để chi trả lương. Vì vậy, năm nay tiền thưởng Tết cao nhất ở trường cũng chỉ 300 - 400 nghìn đồng/người.
Ông Bùi Văn Nam - Phó Chủ tịch Công đoàn Sở GD-ĐT thành phố thở dài cho biết, với khối trường phổ thông (từ mầm non tới THPT) hưởng lương ngân sách nên các trường sẽ dùng 80% kinh phí từ nguồn ngân sách và nguồn học phí để chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, 20% còn lại chi cho những hoạt động khác.
Tùy theo hoàn cảnh của từng trường, đến cuối năm nếu các trường không dùng hết số dư đó thì chia cho giáo viên gọi là khoản thu nhập tăng thêm cuối năm chứ không phải thưởng Tết hay tháng lương thứ 13. Thế nên các thầy, cô ở các trường trên địa bàn 42 xã thuộc 5 huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh khó khăn hơn.
Tết năm ngoái, nhờ nguồn vận động của công đoàn nên mỗi giáo viên ở đây được thêm khoảng 400.000 đồng lo Tết. Năm nay, do cơ chế chưa thay đổi nên công đoàn đã phải có kế hoạch vận động cán bộ nhân viên, giáo viên các đơn vị trú đóng ở nội thành đóng góp để cùng chăm lo cho cán bộ giáo viên của các trường ngoại thành.
Về chuyện thưởng Tết đối với nghề giáo, thầy Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường THCS Bà Điểm (quận Bình Tân) tâm sự, chuyện thưởng Tết đối với nhà giáo sao mà chua chát và nghịch lý. Đồng lương giáo viên "bèo bọt" nhưng các thầy, cô vẫn bám lớp, bám trường để gieo con chữ, thậm chí nhường cơm sẻ áo, trích đồng lương eo hẹp để giúp học trò được đến trường. Khi năm hết Tết về, nhà giáo ai cũng hy vọng có thêm chút thưởng để mâm cỗ không làm tủi lòng con cái. Thế nhưng…
>> Thưởng Tết tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như thế nào?
Theo Hà Tuấn - Thanh Tàu