Thị trường thực phẩm đóng hộp đang được 'hâm nóng'

21/10/2014 14:57 PM |

Thị trường thực phẩm đóng hộp được “hâm nóng” với sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Mỹ... trên quầy kệ siêu thị cũng như cửa hàng, điểm bán lẻ.

Dù không phải là nhóm hàng thiết yếu nhưng theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường, tổng sản lượng tiêu thụ đồ hộp của người dân VN trong những năm qua luôn tăng đều với mức tăng 500 tấn mỗi năm.

Sẵn và tiện

Ngày cuối tuần, chị Nguyễn Thu Trâm (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) hối hả tìm đến siêu thị mua thực phẩm, chuẩn bị cho hai con nhỏ đi du lịch xa vài ngày. Bên cạnh sữa và xúc xích, bốn hộp thịt bò và cá ngừ đóng hộp cũng có trong giỏ hàng của chị Trâm.

“Hai cháu đi biển, sợ không quen đồ ăn nên tôi vẫn mua dự phòng mấy hộp thịt đóng hộp ở nhà mấy cháu hay ăn, để lỡ có gì còn đem ra xài” - chị Trâm cho biết khi loay hoay lựa đồ tại siêu thị Co.op Mart Nhiêu Lộc (Q.3).

Dù không phải là những mặt hàng thiết yếu nhưng thực phẩm đóng hộp, cả trong nước lẫn nhập khẩu, ngày càng xuất hiện nhiều - Ảnh: T.T.D.

Tuy không ăn thường xuyên nhưng các loại cá hộp và thịt bò đóng hộp vẫn hay xuất hiện trong danh sách đi mua sắm của chị bởi sự tiện lợi và nhanh gọn.

“Không mất nhiều thời gian, có khi chỉ cần hâm qua lò vi sóng là ăn với cơm được” - chị Trâm cho biết.

Điều nhiều bà nội trợ bất ngờ nhất là thời gian gần đây, chủng loại của nhóm hàng này khá phong phú bởi sự xuất hiện của nhiều nhãn hiệu đến từ Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Hà Lan bên cạnh những thương hiệu quen thuộc trong nước như Tuyền Ký, Vissan, Seapimex, Hạ Long...

Chẳng hạn với mặt hàng thịt heo đóng hộp, nhãn hiệu Ayam của Malaysia hiện diện trên kệ hai mặt hàng, trong khi các sản phẩm từ cá biển, sản phẩm của Thái Lan lại có ưu thế với nhãn hiệu “3 cô gái” hay cá thu, cá nục, patê cá trích...

“Trước kia, tôi chỉ thấy đồ hộp cá xốt cà của Thái Lan nhưng giờ hàng Thái Lan có thêm vị bò cay, thịt heo chua cay, giá có cao hơn hàng nội một chút nhưng vị lạ nên tôi mua về thay đổi” - chị Ngọc Bích, ngụ Q.7, cho biết.

Theo các nhà bán lẻ, có số lượng tiêu thụ mạnh ở nhóm hàng ngoại hiện nay là đồ hộp Thái Lan. Hàng Thái mạnh về nhóm hàng cá, cạnh tranh rất khốc liệt với hàng Việt, có mức giá trung bình cao hơn hàng trong nước khoảng 15%.

Còn đối với các nhãn hàng ngoại nhập khác, ở phân khúc cao cấp thì không có gì đặc biệt trong khi phân khúc bình dân, giá thấp lại đang xảy ra cuộc chạy đua khá dữ dội với hàng trong nước. Các sản phẩm cá hộp tương đương về chủng loại, trọng lượng hàng nhập thường có giá từ 13.000-30.000 đồng/hộp, trong khi hàng sản xuất trong nước ở mức dưới 25.000 đồng/hộp.

Tương tự, các dòng thịt hộp loại lớn ngoại nhập có giá từ 40.000 - 85.000 đồng/hộp, trong khi thịt hộp Vissan giá cao nhất trên quầy kệ siêu thị hiện ở mức 58.000 đồng/hộp.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên tiếp thị tại siêu thị Big C Pandora, cho rằng nhóm hàng thịt hộp bán không mạnh nhưng lại đều đều, ổn định như mì gói, sữa hay xúc xích. “Nhiều người lựa chọn các loại thịt heo, bò hay cá, thịt kho tàu, xíu mại... để ăn sáng hoặc ăn khuya” - chị Tuyết nói.

Ghi nhận tại các siêu thị cho thấy khu vực dành cho thịt hộp khá khiêm tốn, chỉ từ một hoặc nửa dãy hàng nhưng chủng loại dày đặc.

Đơn cử như tại Co.op Mart Nhiêu Lộc, chỉ riêng các dòng sản phẩm cá đã có tới hơn năm sản phẩm phổ biến như cá thu, cá nục, cá trích, cá ngừ... trong khi thực phẩm chế biến từ thịt heo cũng phong phú với thịt heo hộp hay xíu mại, patê. Ngoài ra thịt bò cũng chiếm diện tích khá lớn trên quầy kệ các siêu thị.

Tăng trưởng nhanh

Nằm trong tốp dẫn đầu thị trường thực phẩm đồ hộp hiện nay, đại diện Công ty Vissan cho biết nhóm thịt hộp của đơn vị này hiện có hơn 100 nhãn từ bò, heo, gà và cá, trong đó heo và bò có lượng mặt hàng nhiều nhất.

Cách nay hai năm, các dòng sản phẩm bán mạnh ở kênh bán hàng hiện đại, nhưng nay doanh số đồ hộp phát triển mạnh ở kênh truyền thống. Do người tiêu dùng nông thôn như đi biển, đi rẫy có xu hướng mua đồ đóng hộp tiện chế biến, việc nhận biết hàng hóa ở nông thôn cũng mạnh dần lên, người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm thuận lợi bữa ăn hằng ngày.

Chính sự thay đổi này kéo theo sự thay đổi về thị phần của các doanh nghiệp trong ngành hàng này thời gian qua. Năm 2010, Vissan dẫn đầu thị trường xét về doanh số chiếm 29% thị trường, tuy nhiên hiện nay Vissan đang phải chia sẻ thị phần này vì sự xuất hiện những nhãn hàng ngoại.

Theo ông Nguyễn Duy Đăng - giám đốc Công ty thực phẩm Minh Đạt (TP.HCM), thị trường thực phẩm đóng hộp VN rất đa dạng từ cá, hải sản đóng hộp, thịt, trái cây, rau quả, mì ống, xúp các loại, nhưng phân khúc sản phẩm đóng hộp có mức tăng trưởng cao nhất là cá hộp chiếm tới 28% thị phần, tiếp theo là dòng sản phẩm rau quả đóng hộp, thịt đóng hộp.

Hiện nay các doanh nghiệp VN đang tập trung nhiều vào sản phẩm thịt, hải sản đóng hộp. Tuy không còn giữ mức tăng trưởng hai con số như các năm trước nhưng ngành hàng này vẫn luôn có tốc độ tăng ổn định, và là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp trong nước do công nghệ không đòi hỏi quá cao - ông Đăng nhận xét.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đông lạnh tại Q.Thủ Đức, TP.HCM - cho biết thời gian gần đây lượng hàng nhập khẩu thực phẩm đóng hộp chủ yếu là thịt, cá các loại qua công ty tăng trưởng nhanh, đặc biệt là nguồn hàng từ các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

“Các doanh nghiệp những nước này muốn đưa hàng sang để bán thăm dò, đón đầu cho đợt giảm thuế suất mà VN cam kết vào năm 2015” - ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, hiện nay hàng nhập khẩu vẫn cao hơn hàng trong nước khoảng 10-15% nhưng một khi rào cản thuế được dỡ bỏ thì giá sẽ cạnh tranh ngang ngửa với hàng nội khi hương vị, chủng loại đa dạng hơn.

Tuy nhiên theo ông Đăng, lợi thế của doanh nghiệp trong nước là am hiểu khẩu vị người tiêu dùng, trong khi các công ty nước ngoài tập trung vào sản phẩm có hương vị phong cách phương Tây. Nhưng đây cũng có thể coi là thế mạnh của các công ty này do xu hướng đón nhận ẩm thực phương Tây của người VN đang rất phổ biến.

Do đó, để giúp các sản phẩm VN cạnh tranh được, cơ quan chức năng cần có biện pháp, kiểm tra chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc của các nguyên liệu trong sản xuất để đảm bảo sản phẩm ra thị trường đạt tiêu chuẩn chất lượng của VN quy định, đồng thời giảm thiểu các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Về lâu dài, Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng trên 90% nguồn nguyên liệu được làm ra từ nội địa như thủy hải sản, vật nuôi...” - ông Đăng nói.

>> Thực phẩm đóng hộp: Đứng trước cơ hội lớn

Theo Như Bình- Dũng Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM