Thị trường BĐS: 2 nỗi lo của NĐT ngoại năm 2016
Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam cho biết, mặc dù nền kinh tế thế giới không ổn định, Việt Nam vẫn phát triển tốt trong năm qua. Bên cạnh đó, những sửa đổi bổ sung trong Luật Nhà đất và Luật Kinh doanh bất động sản đã đem đến những giải pháp tốt hơn cho ngành BĐS.
Nhìn chung, niềm tin đầu tư vào thị trường đã được cải thiện, việc mua và bán diễn ra sôi nổi hơn. Các nhà đầu tư hiện nay có thể được hưởng tỷ suất sinh lời 6 - 7% đối với BĐS nhà ở và 9 - 11% đối với bất động sản thương mại, tùy thuộc vào vị trí, thời gian hoàn thành và chất lượng xây dựng BĐS và thời gian ký kết của khách thuê.
Dự báo xu hướng thị trường BĐS Việt Nam 2016, ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cũng khẳng định, các luật và quy định mới đây dành riêng cho thị trường BĐS chặt chẽ hơn, nhưng cũng có những điều khoản mở rộng hơn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện phát triển cho thị trường BĐS. Vì vậy, năm 2016, thị trường BĐS sẽ tiếp đà hội phục và phát triển mạnh hơn năm 2015.
Trong khi đó, theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng nhà tồn kho tại TP.HCM và Hà Nội đang giảm xuống 30%.
Với chiều hướng này, sẽ không thể có chuyện bong bóng BĐS trong vòng ba, bốn năm tới. Hiện nay, tín dụng BĐS đạt 342 ngàn tỷ đồng, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường tăng mạnh đã góp phần kích thích sự phục hồi khá mạnh mẽ của thị trường.
Tuy nhiên, nguồn vốn BĐS là vấn đề quan tâm hiện nay. Thực tế, các doanh nghiệp BĐS hầu như phải vay vốn để phát triển dự án, dù lãi suất đã thấp nhưng vẫn cao hơn thế giới. Vì vậy, DN trong nước đang có xu hướng "hợp tác" nguồn vốn từ nước ngoài.
Ông Jeff Foo - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Singapore, cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư Singapore và các nước khác muốn vào Việt Nam sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định kinh tế song phương và đa phương.
Tuy nhiên, quan ngại của hầu hết các nhà đầu tư là Chính phủ Việt Nam có điều chỉnh chính sách về BĐS hay không trong 5 - 10 năm tới.
Một quan tâm khác là chính sách cần hết sức minh bạch và không thay đổi chóng vánh dựa trên tác động của môi trường kinh tế.
Ông Jeff Foo dẫn chứng: "Khi đầu tư vào một thị trường nào đó, cái khó của chúng tôi là vấn đề thuế, nhất là việc chuyển lợi nhuận về có bị đánh thuế không. Vì vậy, một khi thị trường BĐS Việt Nam có chính sách minh bạch và bền vững thì sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn".
Mặc dù thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư và một số quỹ nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh tham gia thị trường Việt Nam, nhưng bước đi của họ cũng cho thấy sự thận trọng.
Sự thận trọng thể hiện ở việc thay vì rót vốn trực tiếp để đầu tư dự án như trước kia, nhà đầu tư đều hợp tác với đối tác trong nước, những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất và am hiểu thị trường nội địa.
Đơn cử, khi hợp tác với Năm Bảy Bảy và An Gia, ông Toshihiko Muneyoshi - Chủ tịch Creed cho biết, việc hợp tác chỉ là bước khởi đầu, nếu thị trường BĐS tốt dần lên, quỹ này sẽ đầu tư vào các dự án mới.