Thế giới 'hắt hủi', Việt Nam rầm rộ mở sân golf, nên mừng hay lo?
Việt Nam đang rất cởi mở đón nhận golf bởi nó đang tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động.
Nội dung nổi bật:
- Dù bị các nước như Trung Quốc và Mỹ "hắt hủi", nhưng ngành kinh doanh golf lại đang rất phát triển tại Việt Nam.
- Các dự án sân golf đang mọc lên ngày một nhiều hơn, tạo ra việc làm cho người lao động và khuyến khích du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Ông Hưởng không hề biết đến khái niệm bunker (hố cát được thiết kế trên các sân golf). Ông cũng chưa từng nhìn thấy một sân golf thực sự và cũng chưa được tận mắt chứng kiến ai đánh golf. Tuy nhiên, ông hiện đang làm công việc san phẳng cát để làm các bunker. Ông nói rằng rất thích thú với công việc này bởi nó giúp ông kiếm được 7 USD/ngày. “Tôi mơ được nhìn thấy một sân golf thật sự khi nó hoàn thành. Và tôi cũng muốn được nhìn thấy người chơi golf”.
Trước đây ông Hưởng vốn là nông dân trồng dứa – và hiện tại ông là một trong số rất nhiều người nông dân tìm ra lối thoát trong cuộc sống nhờ sự bùng nổ sân golf tại Việt Nam.
Từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng hay Hà Nội, rất nhiều người lao động Việt Nam đang làm công việc dọn dẹp, tỉa cây cảnh, điều khiển xe… trong các sân golf phục vụ các khách du lịch giàu có đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.
Điều kỳ lạ là, golf đang là ngành kinh doanh gặp khó khăn tại Mỹ. Ngoài ra, thống kê cho thấy cứ 3 ngày lại có 1 sân golf phải đóng cửa tại Trung Quốc bởi chính phủ đang thực hiện chiến dịch đóng cửa hàng loạt sân golf trái phép.
Trái lại, Việt Nam lại đang rất cởi mở đón nhận golf bởi nó tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động. Hiện Việt Nam có 36 sân golf và tham vọng của chính phủ là tạo ra 96 sân trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, theo ông Bùi Tất Thắng đến từ viện chiến lược Bộ kế hoạch và đầu tư thì chi phí đầu tư vào mỗi sân golf mất khoảng 40 triệu USD và thuê khoảng 600 nhân viên.
Một số dự án sân golf nổi tiếng tại Việt Nam gồm có Legend Hill Golf resort được thiết kế bởi Nicklaus nằm ở phía bắc Hà Nội thuộc tập đoàn BRG Group dự kiến mở cửa vào cuối năm nay. Tại miền trung Việt Nam có dự án Laguna Lăng Cô Golf Club trị giá 875 triệu USD được trang bị các villa cao cấp trước biển - giá mỗi căn từ 2,5 triệu USD. Tại Sầm Sơn, tập đoàn FLC cũng đang xây dựng resort sân golf 18 lỗ với chi phí 260 triệu USD, dự kiến mở vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Việt Nam có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho thú chơi xa xỉ này hay không?
Năm ngoái, Ocean Dunes Golf Club – một sân golf được xây dựng tại Phan Thiết đã phải đóng cửa, gây hoang mang cho ngành golf. Ngoài ra, golf vẫn là môn thể thao ngoài-tầm-với với hầu hết 90 triệu người dân Việt Nam - có thu nhập bình quân đầu người chỉ là 2.000 USD/năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Chu – cựu tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam thì hiện chỉ có 15.000 người Việt biết chơi golf còn lại các sân golf chủ yếu phục vụ khách nước ngoài.
Cho Byung-yoon – một người Hàn Quốc đã nghỉ hưu bắt đầu sống tại Đà Nẵng vì golf. “Tôi đã có rất nhiều bạn mới ở đây thông qua việc chơi golf”. Armine Hophan và vợ của anh là Renate – người đã đến Đà Nẵng lần thứ 7 nói rằng: “Chúng tôi muốn kết hợp chơi golf trong kỳ nghỉ”.
Trong khi đó, dù lượng khách nước ngoài đến Việt Nam đã giảm rõ rệt vào đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước. Nhưng, nhiều nhà điều hành tour vẫn nói rằng doanh số bán các gói nghỉ dưỡng kèm chơi golf tiếp tục tăng (những người này không đưa ra con số chính xác về lượng người chơi golf).
“Việt Nam là một trong những điểm chơi golf hấp dẫn trên thế giới trong tương lai”, theo Mark Siegel – tổng giám đốc Golffasian. Ông này cho biết sẽ bán 3.000 gói chơi golf trong năm nay, tăng 2.000 gói so với năm ngoái. Ông Siegel cũng dự đoán rằng ngành du lịch kết hợp golf sẽ trị giá từ 2 tỷ USD – 3 tỷ USD/năm cho các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó khoảng 10% đến từ Việt Nam.
“Việt Nam là một trong những điểm chơi golf hấp dẫn trên thế giới trong tương lai”, theo Mark Siegel – tổng giám đốc Golffasian
Đà Nẵng là một trong những điểm chơi golf nổi tiếng tại Việt Nam với người nước ngoài. Thành phố này có sân bay quốc tế với những chuyến bay thẳng từ Seoul và Tokyo, resort cao cấp và gần địa điểm du lịch ưa thích là Hội An.
Lâm Quang Minh – Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng nói rằng golf đã giúp thay đổi diện mạo Đà Nẵng – địa danh được TripAdvisor công nhận là điểm đến mới nổi hàng đầu thế giới. “Khi phát triển ngành du lịch cao cấp và những resort 5 sao ngay sát biển, chúng tôi hiểu rằng các vị khách của mình, hầu hết đều là người chơi golf”.
Tuy vậy, các nhà quản lý câu lạc bộ golf phàn nàn rằng họ có thể sẽ làm tốt hơn nếu không có mức thuế 20% áp cho mỗi vòng golf và lệ phí visa của nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam. Ngoài ra, có vẻ như Việt Nam vẫn chưa có những chiến lược quảng bá, xúc tiến cho ngành du lịch nghỉ dưỡng kèm chơi golf mạnh mẽ như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 7 trong số những địa điểm du lịch golf nổi tiếng tại châu Á. Thái Lan dẫn đầu, theo sau là Trung Quốc, Malaysia theo thống kê của Hiệp hội quản lý câu lạc bộ golf châu Á.
Trở lại với câu chuyện của ông Hưởng và những người lao động khác đang giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho một thú chơi mà họ chưa hề biết đến. Những người như Addis rõ ràng rất hứng thú với một đất nước nơi mà việc xây dựng sân golf mới chỉ bắt đầu. Anh nói: “Mỗi sân golf đang được xây dựng tại Việt Nam đều rất độc đáo. Mọi người đang cố gắng làm ra một thứ mới và khác biệt”.
>> Báo tây ca ngợi Đà Nẵng là 'Singapore của Việt Nam'
Vân Đàm