Thế giới của những 'ông trùm cướp bóc'
03/04/2014 16:39 PM
|
Mối quan hệ giữa các chính phủ và các doanh nghiệp đang dần xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Tuy vậy, cả hai bên không nên vượt quá “ranh giới” bởi họ cần đối phương để phát triển.
Nội dung nổi bật:
Vào thời Trung cổ, sông Rhine là tuyến đường thủy thương mại quan trọng bậc nhất của châu Âu. Lợi dụng điều này, các chủ đất địa phương đều thu thêm phí khi tàu thuyền đi qua địa phận của họ, gây cản trở thông thương hàng hóa.
Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và chính phủ các nước cũng có nhiều điểm tương tự với tranh chấp thời Trung cổ.
- Phía doanh nghiệp cho rằng chính phủ can thiệp quá sâu vào quá trình sản xuất, gây ra nhiều cản trở hơn là thúc đẩy giao thương phát triển.- Phía chính phủ lại miêu tả các doanh nghiệp như một loài thú ăn thịt đáng sợ, cần được kiểm soát để tránh tình trạng bóc lột lao động, lừa đảo và trốn thuế.
Mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước là mối quan hệ như thế nào? Làm cách nào để phát triển mối quan hệ này sao cho cả hai bên cùng có lợi? Đó chính là chủ đề của báo cáo đặc biệt được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist thực hiện mà chúng tôi xin lược dịch và mong muốn giới thiệu tới bạn đọc.
Vào thời Trung cổ, sông Rhine là tuyến đường thủy thương mại quan trọng bậc nhất của châu Âu. Tương tự như các tuyến đường cao tốc hiện hay, các phương tiện đi qua đều phải trả phí. Mặc dù mức thu phí được quyết định bởi hoàng đế La Mã vĩ đại, các chủ đất địa phương đều thu thêm phí khi tàu thuyền đi qua địa phận của họ. Dần dần, những “ông trùm cướp bóc” này trở nên nổi danh, gây cản trở nghiêm trọng đối với thông thương hàng hóa. Điều này khiến các đế quốc phải có hành động trừng phạt thích đáng để loại bỏ chúng.
Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và chính phủ các nước cũng có nhiều điểm tương tự với tranh chấp thời Trung cổ.
Các công ty đa quốc gia giống các thương nhân đi thuyền qua sông Rhine, họ phải trả một khoản phí nhất định để được phép hoạt động thương mại tại nước sở tại, nhưng chi phí này không thể quá cao, gây gánh nặng lên hoạt động kinh doanh.
Theo ước tính, có ít nhất gần 200 quốc gia bị “cám dỗ” áp dụng các biện pháp như các “ông trùm cướp bóc” thời xưa khi yêu cầu các công ty nước ngoài phải trả cho họ phí hỗ trợ hoạt động tại địa phương.
Một số người cho rằng, danh hiệu “ông trùm cướp bóc” nên được gắn sang phía ngược lại. Khoảng cuối thế kỷ 19, cụm từ “ông trùm cướp bóc” thường để chỉ các “đầu nậu” đường sắt tại Mỹ, những người sử dụng sức mạnh độc quyền của mình để chèn ép đối thủ. Các chính trị gia tiêu biểu như Tổng thống Theodore Roosevelt hay ngài William Howard Taft đại diện cho các lực lượng chính nghĩa chống lại sức mạnh của các tập đoàn trên.
Kể từ đó, mối quan hệ chính phủ và các tập đoàn luôn trong thế đối đầu và dè chừng lẫn nhau. Các công ty đa quốc gia hiện nay tích lũy của cải và phát triển khá hùng hậu, họ dùng sức mạnh tài chính để “điều khiển” các chính trị gia thông qua đóng góp vào các chiến dịch bầu cử và vận động hành lang, đồng thời cũng giúp họ trốn tránh các trách nhiệm xã hội.
Rất nhiều chính trị gia đến từ các nền chính trị khác nhau nhận định mối quan hệ giữa các chính phủ và các doanh nghiệp có bản chất đối kháng lẫn nhau.
Phía doanh nghiệp cho rằng chính phủ can thiệp quá sâu vào quá trình sản xuất, gây ra nhiều cản trở hơn là thúc đẩy giao thương phát triển.
Phía chính phủ lại miêu tả các doanh nghiệp như một loài thú ăn thịt đáng sợ, cần được kiểm soát để tránh tình trạng bóc lột lao động, lừa đảo và trốn thuế.
Tất cả những mâu thuẩn trên đẩy cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 vào cục diện khó giải quyết hơn. Sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn và hàng loạt gói cứu trợ cho hệ thống ngân hàng đã gây ra sự phẫn nộ trên thị trường tài chính, và rộng hơn là sự thất vọng với các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng cũng kéo theo một loạt hệ lụy như sụt giảm doanh thu thuế, làm tồi tệ thêm tình trạng thâm hụt ngân sách công… Điều này khiến các chính phủ phải tăng cường các biện pháp thắt lưng buộc bụng, áp dụng thêm các loại thuế đối với tầng lớp trung lưu, cắt giảm lợi ích của tầng lớp kém khá giả.
Các doanh nghiệp cũng “trả đũa” bằng các biện pháp chống đối như trốn tránh việc chi trả các khoản thuế qui định hay đẩy mạnh các biện pháp áp giá độc quyền.
Để đáp lại, chính phủ tiếp tục đưa ra các qui định mới nghiêm ngặt hơn, đặc biệt đối với khu vực ngân hàng và tìm cách trấn áp việc hưởng lợi chênh lệch thuế từ nước ngoài của doanh nghiệp. Tuy vậy, họ cũng nhận ra các biện pháp này không hoàn toàn ảnh hưởng tới khu vực doanh nghiệp. Một số quốc gia trong đó có Anh lại thi hành các chính sách cắt giảm thuế để hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Theo John Cridland, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Anh, các quốc gia cần cải tạo mình để trở thành những điểm đến hấp dẫn hơn, giúp thu hút các nhà đầu tư”. Ngay cả thủ tướng Pháp, ngài François Hollande – người đã dấy lên làn sóng chống tư bản chủ nghĩa khi mới nhậm chức vào năm 2012 - cũng vừa mới công bố kế hoạch cắt giảm gần 30 tỷ euro (tương đương 41 tỷ USD) tập trung vào thuế doanh nghiệp, với nỗ lực hồi sinh nền kinh tế đang trì trệ của nước này.
Bỏ lại tất cả những mâu thuẫn nói trên, doanh nghiệp và nhà nước thực sự cần đối phương để cùng phát triển. Các chính phủ phụ thuộc vào doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng cường xuất khẩu, giúp quốc gia có chỗ đứng trên trường quốc tế.
Theo Thảo Phương
Theo CafeF/Trí thức trẻ/The Economist
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!