Thẻ căn cước công dân có thể thay hộ chiếu
Thứ trưởng Bộ Công an - thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết như vậy tại cuộc họp báo của Văn phòng Chủ tịch nước công bố các luật, nghị quyết của Quốc hội, ngày 11-12.
“Thẻ căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ VN. Thẻ này được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp VN và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế” - ông cho biết.
Không phải xuất trình giấy tờ khác
Công bố nhiều luật, nghị quyết
Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã lần lượt đọc lệnh của Chủ tịch nước công bố: Luật tổ chức Quốc hội; nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân VN; Luật công an nhân dân; nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng VN; nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật; Luật bảo hiểm xã hội; Luật tổ chức tòa án nhân dân và nghị quyết về việc thi hành Luật tổ chức tòa án nhân dân; Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân và nghị quyết về việc thi hành Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân; Luật kinh doanh bất động sản; Luật nhà ở.
Theo quy định của luật, khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.
Luật quy định mọi công dân VN đủ 14 tuổi thì được cấp thẻ căn cước công dân.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định của luật; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2019.
Từ ngày 1-1-2020 thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.
Như vậy, từ năm 2016 sẽ đồng thời tồn tại ba loại giấy tờ có giá trị pháp lý như nhau là chứng minh nhân dân (chín số theo mẫu cũ), chứng minh nhân dân 12 số theo mẫu mới và thẻ căn cước công dân.
Công an cấp tỉnh đã phong tướng thì được giữ nguyên
Luật công an nhân dân quy định trần quân hàm giám đốc công an cấp tỉnh (trừ Hà Nội, TP.HCM) cao nhất là đại tá.
Trước tình trạng hiện nay đa số người giữ chức vụ giám đốc công an các tỉnh, thành đeo quân hàm tướng, phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi: “Bộ Công an có giải pháp nào để khi luật này có hiệu lực thi hành thì quy định trên được thực hiện nghiêm túc?”.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết Luật công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015. Riêng các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm tướng có hiệu lực ngay kể từ khi luật được công bố.
“Mặc dù trong quá trình xây dựng luật, thảo luận, tranh luận có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Quốc hội đã đưa ra quyết định cuối cùng và Bộ Công an sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định của luật” - ông Hiếu khẳng định. Tuy nhiên, với những người giữ chức vụ giám đốc công an các tỉnh, thành hiện nay đã được phong tướng thì giữ nguyên, không thể tước quân hàm tướng của họ.
Cũng tại cuộc họp báo, trung tướng Mai Quang Phấn - phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN - khẳng định việc sĩ quan có quân hàm cao hơn nhưng chức vụ thấp hơn phải chấp hành sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng quân hàm thấp hơn là chuyện bình thường.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi: theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân VN thì người giữ chức vụ tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội và tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM có trần quân hàm cao nhất là trung tướng.
Trong khi Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội (tương đương cấp quân khu) trực thuộc Bộ Quốc phòng thì Bộ tư lệnh TP.HCM trực thuộc Quân khu 7. Như vậy, trần quân hàm của tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM ngang với trần quân hàm của tư lệnh quân khu, cao hơn trần quân hàm của phó tư lệnh quân khu một bậc.
Quy định này dẫn đến tình huống là phó tư lệnh Quân khu 7, cấp trên của tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM, có quân hàm thấp hơn một bậc so với tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM. Tóm lại là sẽ xảy ra tình huống trung tướng phải đứng nghiêm chào thiếu tướng mỗi khi làm việc.
Trung tướng Mai Quang Phấn cho biết trong quá trình soạn thảo, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân VN, đã có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về nội dung này.
“Nay Quốc hội đã quyết định như vậy thì Bộ Quốc phòng sẽ chấp hành nghiêm chỉnh quy định của luật” - ông Phấn nói.
Đồng thời ông Phấn cho biết luật đã quy định rõ là đồng chí có chức vụ cao hơn thì chỉ huy đồng chí có chức vụ thấp hơn mặc dù đồng chí có chức vụ cao hơn có thể quân hàm thấp hơn.
>> Hộ chiếu quốc gia nào quyền năng nhất thế giới?
Theo Lê Kiên