Thắng lợi kép trong điều hành giá 2014
Thắng lợi kép trong điều hành giá năm 2014 chính là vừa kiểm soát được giá cả, vừa tiếp tục từng bước thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo đúng lộ trình đã đề ra.
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 dự kiến tăng ở mức 3-4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Thắng lợi kép trong điều hành giá năm 2014 chính là vừa kiểm soát được giá cả, vừa tiếp tục từng bước thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo đúng lộ trình đã đề ra.
Bình ổn giá nhiều mặt hàng thiết yếu
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), công tác quản lý, điều hành năm 2014 đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ...” đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2014 chỉ tăng 2,08% so với tháng 12-2013. Đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ hơn 10 năm gần đây.
Giá cả thị trường cơ bản ổn định, cung về hàng hóa dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, không xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến. Đồng thời, đã tiếp tục từng bước thực hiện nhất quán điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh... theo đúng chủ trương và lộ trình đề ra.
Trong công tác điều hành giá năm qua, phải kể đến nỗ lực của cơ quan quản lý giá trong việc thực hiện có hiệu quả công tác bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá xăng dầu, giá cước vận tải ô tô...
Duy trì lạm phát thấp không phải là yếu tố đáng mừng. Bởi vì, chỉ số giá tiêu dùng thấp sẽ dẫn đến tiêu thụ hàng hóa trong nền kinh tế gặp khó khăn; cần khai thác dư địa chính sách tiền tệ theo hướng điều hành CPI khoảng 7% là hợp lý để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Có như vậy, nền kinh tế mới có thể đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2015".
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Trong 11 tháng của năm 2014, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, trong đó có thời điểm tăng ở mức cao. Để góp phần bình ổn giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt.
Khi giá giảm, Liên Bộ đã yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát để giảm giá bán trong nước cho phù hợp. Giá xăng đã bám sát theo giá thị trường thế giới, trong 11 tháng qua đã giảm giá 11 lần với mức giảm tổng cộng hơn 5.700 đồng/lít, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá chung.
Đầu năm 2014, trước xu hướng tăng của giá sữa, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập 5 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại 5 DN.
Trên cơ sở kết quả thanh tra và báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ đã thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp đăng ký giá (trong thời gian 6 tháng) và quy định quản lý giá tối đa (trong thời gian 12 tháng) để bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-BTC về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Kết quả thực hiện, tính đến ngày 5-12-2014, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 0,1-34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Trước tình hình giá xăng dầu điều chỉnh giảm nhiều đợt, nhưng giá cước vận tải giảm chậm, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, yêu cầu DN kê khai giảm giá cước vận tải ô tô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Theo kết quả kiểm tra giá được Bộ Tài chính công bố vào cuối tháng 11 cho thấy, tại 3 địa phương là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, nhiều DN đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2 đến 32%, trong đó Đà Nẵng mức giảm tối đa lên đến 32%.
Cảnh giác lạm phát tăng cao trong năm 2015
Trả lời báo chí tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ dự báo lạm phát năm nay có thể ở mức 3-4%. Theo ông Thụ, với kết quả đó, Thủ tướng đã thực hiện được lời hứa của mình trước nhân dân khi trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng cam kết sẽ đưa lạm phát về mức thấp nhất có thể.
Mặc dù, chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm luôn tiềm ẩn yếu tố tăng giá, nhưng theo ông Bùi Đức Thụ, chỉ số giá tiêu dùng "có tăng nhưng sẽ tăng ở mức thấp". Theo ông Thụ, nếu tháng 12 tới có tăng thêm 1% thì cả năm cũng ở dưới mức Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, ông Thụ bày tỏ ý kiến đồng tình với nhiều chuyên gia kinh tế khác khi cho rằng, duy trì lạm phát thấp không phải là yếu tố đáng mừng. Bởi vì, chỉ số giá tiêu dùng thấp sẽ dẫn đến tiêu thụ hàng hóa trong nền kinh tế gặp khó khăn; cần khai thác dư địa chính sách tiền tệ theo hướng điều hành CPI khoảng 7% là hợp lý để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Có như vậy, nền kinh tế mới có thể đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2015.
Theo nhận định của Cục Quản lý giá, áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2015 không quá cao, kết hợp với những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện từ những năm trước là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2015.
Tuy nhiên, năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).
Theo quy định tại Điều 8 Luật Giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá; các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định; UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành; UBND cấp tỉnh trong năm 2015 cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc bộ và tại địa phương. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước...
Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm và trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là dịp Tết; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý... góp phần bình ổn giá cả thị trường.
>> Dự báo lạm phát 2015 thấp: 'Cơ hội tiếp tục hạ lãi suất'
Theo Minh Anh