Tháng 4: Nhập siêu 1 tỷ USD, CPI cả nước giảm 0,02%

24/04/2013 16:16 PM |

Nhập siêu tháng 4 ước lên tới 1 tỷ USD

Theo số liệu của cơ quan thống kê, trong tháng 4/2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD.

Như vậy, trong tháng 4, cả nước nhập siêu ước tới 1 tỷ USD, riêng khu vực doanh nghiệp có vốn FDI xuất siêu 730 triệu USD.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước gần 39,5 tỷ USD, tăng 16,9% cùng kỳ 2012. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước gần 40,2 tỷ USD, tăng 18%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện, xăng dầu các loại,...

Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu ước 722 triệu USD.

Cán cân thương mại của Việt Nam tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2013 thâm hụt 941 triệu USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

CPI cả nước tháng 4 tăng 0,02%

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, là tháng 4 có mức tăng thấp nhất kể trong vòng 10 năm trở lại đây.

Khi so với các kỳ so sánh khác, CPI tháng 4/2013 vẫn tăng 6,61% so với cùng kỳ tháng 4 năm 2012 và tăng 2,41% so với tháng 12/2012. Ở các gốc so sánh này, mức tăng CPI tháng 4 năm nay đều thấp hơn các gốc tương ứng của tháng 4 năm 2012. 

Không tăng cao mà lương thực thực phẩm lại là nhóm giảm mạnh nhất trong số các nhóm hàng tính chỉ số. 

CPI tháng 4 tăng nhờ… quyết định hành chính
Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

CPI tháng này hầu như không thay đổi so với tháng trước là do những tác động trái chiều mạnh mẽ đến từ các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm giao thông và nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

Về phía tác động tăng, dịch vụ khám chữa bệnh của 4 tỉnh thành phố là Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận và Tây Ninh đã được điều chỉnh tăng khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất (3,62%) so với tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 4,51%. 

Một nhóm hàng khác cũng tăng mạnh và được quan tâm nhiều là nhóm giao thông. Sau hai lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng, chỉ số giá nhóm giao thông đã tăng 1,2% so với tháng trước. 

Ở chiều ngược lại, mức giảm gần 1% của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là lực kéo mạnh tác động đến chỉ số chung. 

Trong tháng, nhóm lương thực giảm 0,86%, thực phẩm giảm 1,24% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12% so tháng trước.

Bưu chính viễn thông tiếp tục đóng vai trò là “nhóm bình ổn giá” khi tiếp tục giảm 0,15% so tháng trước. 

Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào CPI chung là vàng và Đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi được ghi nhận ở các mức tương ứng là giảm 2,56% và tăng 0,01% so với tháng trước.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM