Tham vọng nông nghiệp tỷ đô: Xa lộ nông nghiệp công nghệ cao

29/10/2015 09:07 AM |

Từ ý tưởng đến chiến lược phát triển. Từ trí tuệ khoa học đến tiền. Những người trong loạt bài này đều có chung tham vọng biến những vùng đất tiềm năng vươn đến tầm cao mới mà nó xứng đáng ngự trị.

Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), Trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn được xem là nơi hiện thực hóa những chiến lược phát triển có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt các huyện miền núi từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) là cha đẻ của "xa lộ nông nghiệp công nghệ cao", còn người đầu tiên hiện thực ý tưởng là Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Tổng giám đốc Cty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO).

Một giáo sư đầu ngành, một Anh hùng Lao động, hai con người họ, trong cuộc sống là đôi bạn già, trong công việc, một người có trí tuệ, một người có tiềm lực tài chính nên thật khó để nghi ngờ về một đô thị nông nghiệp trong tương lai.

GS Đỗ Năng Vịnh chia sẻ: Chúng tôi đã đi khắp đất nước Việt Nam và các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới và nhận ra rằng, tại nước ta, vùng đất nằm dọc đường Hồ Chí Minh, trải dài từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh có điều kiện thuận lợi về mọi mặt để hình thành và phát triển một “xa lộ NNCNC dọc đường Hồ Chí Minh”. Một dải đất lâu nay chúng ta vẫn lầm tưởng rằng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng lại chứa đựng những tiềm năng vô cùng to lớn.

Theo GS Vịnh, xa lộ nông nghiệp công nghiệp hóa đường Hồ Chí Minh được đặt ở một vùng kinh tế năng động nhất trên thế giới hiện nay là khu vực châu Á. Dải đất dọc đường Hồ Chí Minh từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh là một khu đất đai rộng lớn phì nhiêu, rất gần với biển nên hàng hóa sản xuất có thể lưu thông một cách dễ dàng. Trong tương lai đây sẽ trở thành vùng kinh tế nông nghiệp hết sức quan trọng.

Dọc hai bên đường HCM sẽ là những đô thị nông nghiệp, kéo dài sang tận biên giới Lào. Ngoài ra, vùng đất này còn là trục xương sống của ANQP. Nếu trục xương sống này mạnh thì không những kinh tế vững mà ANQP sẽ thuận lợi.

Sau nhiều cuộc bàn bạc, nghiên cứu giữa GS Đỗ Năng Vịnh và ông Lê Văn Tam, tháng 12/2014, Trung tâm nghiên cứu, phát triển NNCNC Lam Sơn ra đời. Cột mốc đánh dấu ý tưởng về xa lộ nông nghiệp công nghệ cao dọc đường HCM trở thành hiện thực.

Được xây dựng trên diện tích 200 ha, được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà nuôi cấy mô... theo công nghệ tiên tiến, mục tiêu của trung tâm là nhân giống, trồng, khảo nghiệm các giống mía mới, các loại cây ăn quả, các loại hoa có giá trị kinh tế cao để phục vụ các đô thị nông nghiệp.

Tất nhiên không thể là câu chuyện của một sớm một chiều, nhưng những tín hiệu bước đầu có thể gọi là mỹ mãn.

Chỉ trong vòng chưa đến một năm, trung tâm này đã đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hàng chục mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu, mỗi mô hình hàng nghìn m2 tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân... Kết quả khảo nghiệm cho thấy, những mô hình này cho thu nhập bình quân khoảng 180 triệu đồng.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn kiểm tra dưa vàng Kim hoàng hậu
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn kiểm tra dưa vàng Kim hoàng hậu

Cụ thể hơn, cứ 1 ha dưa vàng Kim Hoàng Hậu trồng được 3 vụ/năm, năng suất đạt 100 tấn/vụ, với giá bán 35.000 đồng/kg đã cho giá trị 1 tỷ đồng.

3 vụ dưa kéo dài 225 ngày, thời gian còn lại sẽ trồng xen các loại rau, củ và hoa chất lượng cao cho thu nhập thêm khoảng 500 triệu đồng nữa. Những con số trước đây chưa ai dám nghĩ. Vì thế nên mục tiêu chiến lược đưa vùng Lam Sơn trở thành vùng NNCNC vào năm 2030 hoàn toàn khả dĩ.

Thành công bước đầu càng khiến GS Vịnh và ông Lê Văn Tam hăng hái. Đặc biệt hơn, cuối tháng 8 vừa rồi, một biên bản hợp tác giữa LASUCO với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã được ký kết.

Theo đó, phía Viện sẽ giúp đỡ công ty hoàn thiện hệ thống nhân giống cho mía, nhân giống cây có múi sạch bệnh, đầu tư nhà lưới theo công nghệ Israel với chi phí phù hợp nhằm phục vụ lộ trình phát triển Lam Sơn thành vùng NNCNC.

Vai trò của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân được đặt lên trục vận hành xuyên suốt. Ngay sau đó, đề án “Tái cơ cấu sản xuất vùng mía đường Lam Sơn theo hướng công nghệ cao và phát triển bền vững gắn với xây dựng vùng nông nghiệp tập trung đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030” lập tức ra đời.

LASUCO giữ vai trò kết nối các doanh nghiệp tạo ra những mặt hàng mới, ngành nghề mới, thị trường mới, liên kết với các địa phương và nông dân đổi mới phương thức sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy mô tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ công nghệ cao.

Ông Lê Văn Tam
Ông Lê Văn Tam

Đề án này tập trung vào 4 sản phẩm chủ lực có thế mạnh của Thanh Hóa.

Thứ nhất là mía đường, sẽ quy hoạch ổn định diện tích 27.000 ha, sản lượng mía 2,5 triệu tấn, sản lượng đường 300.000 tấn, tổng doanh thu từ đường và các sản phẩm sau đường đạt 5.000 tỷ đồng.

Thứ hai là Cam vàng xứ Thanh, sẽ xây dựng và phát triển vùng cam không hạt chất lượng cao, diện tích đến năm 2025 đạt 10.000 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 300.000 tấn, doanh thu 12.000 tỷ đồng.

Thứ ba là rau, hoa quả, thực phẩm hữu cơ và nấm ăn xuất khẩu, diện tích 5.000 ha đến năm 2020 và 10.000 ha năm 2025, sản lượng bình quân hàng năm đạt 300.000 tấn, tổng doanh thu 10.000 ha x 500 triệu đồng/ha = 5.000 tỷ đồng.

Thứ tư là tre luồng, phát triển diện tích rừng luồng sản xuất cho đầu tư sản xuất công nghiệp từ 25.000 đến 27.000 ha, tổng doanh thu từ tre ép khối thay thế thế cho nguyên liệu gỗ và các sản phẩm sản xuất từ tre ép khối 3.000 tỷ đồng.

Để thực hiện đề án trị giá hàng tỷ đô la này, cả GS Vịnh và TGĐ Tam đều đề ra những giải pháp cấp bách và lâu dài. Theo đó, điều cần thiết đầu tiên là đổi mới phương thức sản xuất. Kiểu sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, phân tán, thủ công phải chuyển sang phương thức sản xuất cánh đồng mẫu lớn, quy mô tập trung, hiện đại và cơ giới hóa đồng bộ. Họ nhận định, đây là giải pháp cấp bách và cơ bản đầu tiên để tạo bước đột phá cho sản xuất hàng hóa phát triển.

Ngoài giải pháp cấp bách này, việc khẩn trương áp dụng tiến bộ KHKT và CNC vào sản xuất, liên kết, hợp tác ngang - dọc với địa phương, nông dân, các nhà khoa học, trong đó vai trò của doanh nghiệp là trung tâm, đầu mối triển khai các chương trình hợp tác, liên kết…

Trong phép tính của GS Đỗ Năng Vịnh và ông Lê Văn Tam thì cây mía vẫn là chủ thể. Lam Sơn hiện có 17.000 ha mía nguyên liệu, mỗi năm sản sinh ra 300.000 tấn bã mía, 50.000 tấn rỉ mật, 50.000 tấn bùn bã mía...

Với những sản phẩm này, nếu đưa KH-CN vào có thể khai thác triệt để lợi ích của nó. Nói cách khác, nếu Lam Sơn muốn tái cơ cấu ngành mía đường thì không thể tách rời khỏi chiến lược phát triển NNCNC, và “chìa khóa” để mở cánh cửa đến thế giới của NNCNC đó chính là KH-CN.

Từ khi Trung tâm NCNNCNC ra đời, ông Lê Văn Tam cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng ruộng mía giống đã có thể cho thu hoạch với năng suất 73 tấn/ha. Mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu, phát triển NNCNC có thể sản xuất được 2 triệu tấn giống có khả năng cho năng suất từ 100 tấn/ha trở lên, chữ đường từ 10 đến 12 CCS, thậm chí 15 đến 16 CCS...

Nhờ công nghệ nuôi cấy mô, hiện nay, toàn bộ vùng mía Lam Sơn đã được trồng giống mới, trong khi tỷ lệ này đối với cả nước mới chỉ đạt khoảng 30%. Nói không ngoa, đường của LASUCO đã hoàn toàn có thể cạnh tranh với đường trên thế giới. Và một xa lộ nông nghiệp công nghệ cao dọc đường Hồ Chí Minh có thể mường tượng được rồi.

 

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM