Tái cơ cấu ngân hàng: 'Mới đuổi chuột, chưa diệt chuột'

27/09/2014 09:23 AM |

Ném chuột sợ vỡ bình, nên mới chỉ đuổi chuột chứ chưa diệt chuột, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên bình luận về kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Đây là một nội dung quan trọng tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/9 tới, tại Ninh Bình.

Là người đặt vấn đề cần tái cơ cấu nền kinh tế ngay từ năm 2008, ông Kiên cũng luôn theo sát diễn biến và luôn có góc nhìn riêng về vấn đề này.

Nhiệm vụ chưa tách bạch

- Hiện có khá nhiều quan điểm khác nhau về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, thế còn ý kiến riêng của ông?

- Trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế thì ngân hàng là lĩnh vực có kế hoạch tương đối tổng thể sớm nhất, và việc triển khai kế hoạch đó cũng tương đối phù hợp với tiến độ đặt ra.

Vì vậy nên thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ là giữ được ổn định tương đối hệ thống tiền tệ quốc gia. Nhưng chính ưu điểm đó cũng lại là khuyết điểm, vì đã giữ ổn định bằng ý muốn chủ quan mà bỏ qua quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đó là quy luật cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và chất lượng hàng hóa.

Nếu tuân thủ quy luật này thì khi tổ chức tín dụng cho vay và đi vay lại mà không hiệu quả thì họ phải trả giá cho thị trường. Nhưng ở đây chúng ta đã chưa tôn trọng quy luật đó và đã can thiệp để những tổ chức đó không phá sản.

Đó là chỉ định một số ngân hàng lớn có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt sáp nhập, mua các ngân hàng nhỏ và đang gặp khó khăn. Hai là cho VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng và cho họ thời hạn 5 năm để xử lý cái nợ xấu đó.

Chúng ta cứ tự hào nói rằng, trong điều hành không để cho một tổ chức tín dụng nào phá sản thế nhưng chúng ta quên mất một điều, là thế chúng ta làm Luật Bảo hiểm tiền gửi, lập ra cơ quan thanh tra và giám sát của ngân hàng để làm cái gì?

Đó là chúng ta còn đang lẫn lộn giữa điều hành nền kinh tế theo quy luật của kinh tế thị trường với ổn định nền kinh tế theo ý muốn chủ quan. Ở đây rõ ràng chưa có sự tách bạch tương đối của nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ nòng cốt của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng Trung ương.

- Nếu vậy thì việc mấy năm qua tập trung nguồn lực để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại có vô nghĩa không, thưa ông?

- Khái quát thế thì nó hơi nặng, có thể nói một cách hình tượng về tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua là ném chuột sợ vỡ bình, nên chỉ đuổi chuột, chứ không diệt chuột.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm để xử lý ngân hàng bị đóng cửa và cũng chưa lường được phản ứng của người gửi tiền với ngân hàng đó thế nào.

Cũng chưa có phân tích nghiên cứu kỹ giữa cái giá phải can thiệp bằng biện pháp hành chính để một số tổ chức tín dụng không sụp đổ với cái giá phải trả khi cho nó sụp đổ. Bởi vậy trước mắt cứ chọn cách xử lý đi theo hướng an toàn và chưa hình dung được đầy đủ các tác động không mong muốn về sau của phương án đang làm.

Thống đốc cần độc lập

- Khi thẩm tra dự án Luật Phá sản, Ủy ban Kinh tế đã rất kiên trì quan điểm cho phá sản tổ chức tín dụng. Như vậy hẳn phải có sự chuẩn bị cho việc này rồi chứ, thưa ông?

- Luật Phá sản đã hình thành hẳn một chương về phá sản các tổ chức tín dụng nhưng tôi nhấn mạnh bản chất là Việt Nam không có kinh nghiệm để xử lý các vấn đề đó.

Những năm 1990 của thế kỷ trước cũng đã xử lý một số quỹ tín dụng nhân dân phá sản mà phải mất nhiều năm mới xong, tất nhiên lúc đó vẫn xử lý theo kinh nghiệm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

- Vậy xung quanh việc cho phá sản các tổ chức tín dụng rất nên là vấn đề được bàn thảo sâu tại diễn đàn?

- Việc bàn về phá sản các tổ chức tín dụng đã diễn ra từ lâu, được nhiều cơ quan tổ chức nghiên cứu chứ không chỉ ở diễn đàn này.

Theo tôi, diễn đàn là nơi các nhà nghiên cứu và quản lý trao đổi với nhau để thống nhất nhận thức và hành động về một vấn đề cụ thể nào đó. Vì vậy, tôi kỳ vọng qua diễn đàn lần này tạo ra cái nhìn thống nhất vào ba nhóm vấn đề đối với lĩnh vực tiền tệ.

Thứ nhất là tính độc lập tương đối của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng Trung ương. Khi đó họ không phải chú tâm nhiều đến hỗ trợ phát triển thì số liệu tăng trưởng sẽ là số liệu thực.

Và khi đã độc lập tương đối, thì Ngân hàng Nhà nước không còn là cơ quan cấp trên của các tổ chức tín dụng.

Khi đó Thống đốc đương nhiên không phải là thành viên Chính phủ, nên cũng khó có thể hứa là sẽ dành mấy chục ngàn tỷ cho cà phê hay dăm chục ngàn tỷ cho bất động sản được.

Nhóm kỳ vọng thứ hai là tạo sự đồng thuận về nhận thức để xử lý nợ xấu. Bởi nếu không xử lý được nợ xấu thì bản thân ngân hàng chết trước sau đó doanh nghiệp chết sau.

Thứ ba, tôi hy vọng diễn đàn sẽ bàn thảo để có thể đi đến đồng thuận cho một vài tổ chức tín dụng ở tình trạng phá sản được phá sản. Qua đó vừa có kinh nghiệm vừa đưa nền kinh tế vận hành đúng quy luật thị trường là năng suất,chất lượng, hiệu quả.

Khi phá sản thì chủ sở hữu chịu trách nhiệm về thiệt hại đầu tiên, sau đó Nhà nước với tư cách đảm bảo an ninh tài chính mới vào can thiệp để lo cho những người gửi tiền. Cuối cùng, những người quản trị doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cá nhân về điều hành của mình thì mới sòng phẳng được.

- Theo ông thì việc để cho vài tổ chức tín dụng phá sản có phải là điều quá kinh khủng không?

Nếu không lường trước được sự việc thì hậu quả khôn lường, chúng ta đã có bài học của nhiều nước trên thế giới về xử lý không hài hòa giữa phá sản và ổn định. Như tôi đã nói ở trên là Việt Nam chưa có kinh nghiệm về vấn đề này.

Chỉ riêng quan điểm chấp nhận cho phá sản vài tổ chức tín dụng cũng chưa chắc đã có thể đạt được sự đồng thuận ngay ở diễn đàn.

Nhưng đó cũng là bước đầu xới xáo vấn đề lên và cũng để cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu không tham dự diễn đàn. Nếu thực sự quan tâm thì họ sẽ nghiên cứu và góp thêm tiếng nói cho bước đi tiếp theo của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thực - vấn đề rất khó của Việt Nam hiện nay.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM