Số liệu cho thấy năng suất lao động người Việt trong ngành mũi nhọn đang giảm mạnh
Năng suất lao động người Việt trong ngành mũi nhọn là Công nghiệp – xây dựng và Dịch vụ đã giảm lần lượt ở mức 12% và 9%.
“Năng suất lao động của các khu vực động lực tăng trưởng có xu hướng giảm sút trong năm 2015”, GS.TS Ngô Thắng Lợi – Đại học Kinh tế Quốc dân trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tại hội thảo “Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” sáng 13/1.
Hai ngành Công nghiệp và Dịch vụ là động lực tăng trưởng mạnh nhất, đóng góp chủ đạo vào tăng trưởng GDP nhưng năng suất lao động năm 2015 lại có xu hướng giảm thấp hơn năm 2014, lần lượt giảm ở mức 12% và 9%.
Đơn vị: Triệu đồng/người/năm
Điều này phản ánh việc chuyển đổi cơ cấu lao động từ Nông nghiệp sang Công nghiệp và Dịch vụ nhưng bản thân hai ngành này chưa phát triển tương xứng nên tốc độ tăng GDP không kịp so với tốc độ tăng lao động, làm cho năng suất lao động của 2 khu vực này giảm đi.
Điều đó có nghĩa là, việc tăng lên của tốc độ năng suất lao động lại chủ yếu do việc dịch chuyển cơ cấu lao động, mà chưa tăng chủ yếu do bản thân các yếu tố trực tiếp của năng suất lao động (như công cụ, trình độ của người lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ…).
Nhận định về tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua, báo cáo do GS.TS Lợi cùng thực hiện với PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, cũng thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam không đạt chỉ tiêu đặt ra và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Năm 2015, năng suất lao động tăng khoảng 6,4% so với năm 2014. Nhưng xét chung giai đoạn 2011-2015, năng suất này vẫn thấp so với mục tiêu đặt ra và so với các nước trong khu vực.
Nếu so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động năm 2015 tăng lên 23,6%, vẫn thấp hơn kế hoạch đặt ra cho giai đoạn này là 29-32%.
Nếu quy đổi năng suất lao động theo giá sức mua tương đương, năm 2015 đạt được xấp xỉ 6.000 USD, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, như Singapore (98.072 USD), Malaysia (35.715 USD), Hàn Quốc (58.295), Trung Quốc (14.985)… (số liệu của World Bank trong World Development Indicators, 2013).