Sợ độc, các bà nội trợ "vắt óc" kiếm đồ ăn sạch

01/10/2012 11:22 AM |

“Bây giờ ăn cái gì cũng độc, những cái tưởng không độc là do người ta chưa phát hiện ra thôi”.

Độc chiêu tìm đồ ăn sạch

Thời buổi ăn gì cũng độc khiến các bà nội trợ ngày càng khó tính. Hết tin đồn thịt lợn chứa chất tạo nạc, lại tới giá đỗ gây bệnh, rồi hoa quả chứa nhiều chất bảo quản, xuất xứ Trung Quốc. Mới đây nhất là thông tin măng có chứa lưu huỳnh khiến nhiều người lo lắng.

Chị Liên ở Tràng Thi cho biết, thực đơn bữa ăn trong nhà thì cứ thay đổi liên tục theo thông tin từ báo đài. Có tin thịt lợn siêu nạc thì nhà chị chuyển sang ăn cá, nghe nói cá bị ướp phân đạm thì chị lại chuyển sang ăn tôm, cua đồng, nghe tin giá đỗ nhiễm độc, cam táo Trung Quốc tràn lan thì chị cũng ngay lập tức loại bỏ các loại trên ra khỏi thực đơn của gia đình.

“Bây giờ ăn cái gì cũng độc, những cái tưởng không độc là do người ta chưa phát hiện ra thôi,” chị Liên than thở.

Thông tin độc hại thì tràn lan, nhưng vì không thể dừng ăn cho nên các bà nội trợ phải “vắt óc” để tìm được nguồn thực phẩm sạch.

Chị Hoa ở Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm cho biết, gia đình chị từ lâu đã không mua gạo, rau củ ngoài chợ. Thay vào đó, chị nhờ bố mẹ ở dưới Thái Bình chuyển đồ ăn lên cho mình. Đồ nhà tự trồng nên chị rất yên tâm.

Cứ hàng tuần chị lại ra bến xe Lương Yên để lấy rau củ quả về, còn gạo thì mỗi lần chị lấy khoảng 2,3 chục cân là đủ ăn thời gian dài. Chị Hà cho biết, ngày nào cũng có xe khách từ làng lên tận Hà Nội nên việc vận chuyển rất thuận tiện, chỉ cần đóng rau quả thành thùng rồi gửi theo xe lên đây, mình chỉ việc chờ ra bến xe lấy về.

“Rau củ chuyển lên phải bọc kỹ rồi cất vào tủ lạnh ăn dần, rau để lâu cũng bị héo đôi chút nhưng quan trọng là cả nhà được ăn thực phẩm sạch, không sợ độc”, chị Hoa cho biết.

Những người không có người thân ở quê thì tìm đồ ở siêu thị hoặc chịu khó đi chợ từ sáng sớm. Ở mỗi chợ thường có vài mối bán thịt cá mà người mua cảm thấy tin tưởng, hay những nguồn bán rau quả do người dân tự trồng. Tuy nhiên những chỗ này phải tới từ sáng sớm mới hy vọng còn hàng. Giá cả ở những hàng như vậy cũng thường đắt hơn so với các hàng đại trà khác.

Đợt này, các loại dụng cụ khử độc cũng được dịp đắt khách. Chị Trang ở Hàng Trống cho biết, từ khi có tin đồn độc hại, gia đình chị trang bị đủ thứ “đồ nghề” như máy rửa rau quả, máy lọc nước, máy trồng rau,… Nhưng cũng chỉ dùng được một thời gian rồi lại “vứt xó” vì nghe người ta đồn rằng máy không loại bỏ được hết chất độc mà lại còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người nghèo không sợ độc?

Dường như những người có thu nhập thấp không có cơ hội lựa chọn trong thời bão giá.

Chị Thuần, công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, chợ tạm chỗ chị vẫn bày bán đủ các loại thịt lợn, rau quả giá rẻ và vẫn “hết veo” như thường. Tin độc hại thì nhiều người cũng biết đấy, nhưng mọi người ở đây không có nhiều lựa chọn.

Chị Thuần cho biết chị cùng chồng mỗi ngày chỉ tiêu tốn khoảng 30.000 đồng tiền thức ăn

“Riêng việc tính toán làm sao để vừa đủ ăn, vừa đủ tiền gửi về cho ông bà, con cái ở quê đã đủ nhức đầu, nói gì đến việc kỳ công đi tìm đồ ăn an toàn”, chị Thuần than thở.

Anh Cường, một tiểu thương ở chợ tạm gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, dù có siêu thị ở ngay trong khu tập thể nhưng công nhân quanh đây đều mua thực phẩm ở khu chợ này vì giá rẻ.

“Thịt cá, rau quả ở đây chẳng cần biết hàng Trung Quốc hay Việt Nam, chỉ cần rẻ. Hầu hết công nhân đều đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Chợ chiều, ai cũng mệt mỏi nên chẳng mấy người quan tâm đến việc đố ăn còn tươi ngon có độc tố gì không”, anh Cường cho biết.

Quốc Dũng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM