Sinh viên Việt Nam và TPP có mối liên quan "mật thiết" như thế nào?
Năng suất lao động của Việt Nam đang dần mất cạnh tranh trong thời hội nhập, và một trong những nguyên nhân là nằm ở hệ thống giáo dục.
Sinh viên Việt Nam và hội nhập
Việt Nam đã ký kết một loạt các thỏa thuận tự do thương mại quốc tế trong vòng một vài năm qua. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP là hiệp định được hoàn tất gần đây nhất.
Dự kiến, Hiệp định này sẽ góp phần làm tăng thêm 8% GDP, 17% xuất khẩu thực tế và 12% vốn đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2035.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới – World Bank (WB), tuy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng chúng ta đang mất dần năng lực cạnh tranh, đặc biệt là ở Năng suất lao động.
Vấn đề nằm ở chỗ, trong kỳ hội nhập, lực lượng lao động không ai khác chính là sinh viên, học sinh tốt nghiệp.
Mà hiện nay, ở Việt Nam xuất hiện các dấu hiệu cho thấy trình độ tay nghề có tác động cản trở. Ví dụ như Lever Style đã chuyển ¼ năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đại diện của hãng nói, họ không thể chuyến sản xuất sang Việt Nam nhanh hơn vì các nhà máy tại Việt Nam vẫn chưa nắm được cách sản xuất áo jacket hoặc áo sơ mi có độ phức tạp cao.
Trong khi đó, hội nhập tăng lên, một số ngành sẽ co lại, ví dụ như sản xuất công nghiệp hay chăn nuôi, làm cho nhiều người phải chuyển sang các ngành có tiềm năng phát triển hơn. Hay TPP sẽ mang lại cơ hội phát triển ngành dịch vụ nhưng người Việt Nam phải nâng cao kỹ năng tiếng Anh thì mới có thể cạnh tranh được trong ngành này.
“Sự thiếu hụt kỹ năng dai dẳng thể hiện mức độ kém hiệu quả của nền kinh tế, tác động lên khả năng đóng góp của người lao động và giảm cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Vì vậy, hệ thống giáo dục phải chịu trách nhiệm về việc thu hẹp lỗ hổng kỹ năng, phải đào tạo ra những sinh viên và công nhân có khả năng làm việc ngay và tiếp tục công việc trong tương lai”, WB nhấn mạnh.
Vấn đề của giáo dục Việt Nam là lỗi thời
Theo báo cáo của WB, Việt Nam đã thành công với việc đào tạo kỹ năng cơ bản nhưng công tác chuẩn bị cho sinh viên và học sinh sẵn sàng đảm đương được công việc được trả lương cao hơn, với năng suất lao động cao hơn vẫn chưa đạt yêu đầu.
Tình trạng này là kết quả của một số vấn đề không khớp nhau như giáo dục trung học phổ thông là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Hiện nay, tỷ lệ chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông đã giảm mạnh từ 80% xuống còn 60% Lợi ích giáo dục trung học phổ thông mang lại không cao bằng giáo dục, cao đẳng đại học hay giáo dục cấp thấp hơn.
Ngành đào tạo không khớp với nhu cầu thị trường lao động. Hiện nay, các cơ sở dạy cho học viên những nghề không còn tồn tại hoặc không có triển vọng.
Các ngành học không đa dạng và phân bố học sinh giữa các ngành học cũng không cân đối. Nội dung đào tạo lỗi thời, nhiều khóa học cơ bản không được giảng dạy. Thậm chí, nhiều giáo viên Việt Nam chưa bao giờ được làm việc thực tế trong chuyên ngành của mình.
Cơ sở giáo dục và đào tạo không khớp với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ít khi tham gia tích cực vào việc thiết kế các chương trình đào tạo hay công tác giảng dạy. Giữa sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp có ít trao đổi, giao lưu. Điều này làm hạn chế khả năng phát hiện tài năng, định hướng chương trình và khuyến khích sáng tạo.
Hệ thống thông tin thị trường lao động không khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, sinh viên và cơ sở đào tạo. Trong khi đó, công tác nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu không khớp với đỏi hỏi của nền kinh tế.
Vậy, giáo dục Việt Nam cần phải làm gì?
Để đảm bảo rằng mọi học sinh, sinh viên và lao động trẻ Việt Nam có những kỹ năng cơ bản và nâng cao, WB đề xuất khuyến nghị: Việt Nam cần thực hiện đầy đủ cải cách giáo dục phổ thông từ sách giáo khoa, áp dụng hệ thống đánh giá học tập mới; tăng tỷ lệ nhập học trung phổ thông cải cách với chất lượng cao hơn và linh hoạt hơn.
Buộc các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, dễ truy cập.
Thực hiện cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ sở giáo dục đào tạo hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế…