Doanh nghiệp nuôi bò: Chưa ngại TPP
Chăn nuôi bò sữa, bò thịt dù bị cảnh báo sẽ cạnh tranh gay gắt khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thi hành nhưng đây vẫn là mảng tiềm năng, nhất là đến thời điểm này, khi các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài vẫn chưa mặn mà đầu tư vào Việt Nam.
Lạc quan tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thịt các loại.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng cho rằng, mỗi năm, một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,5 kg thịt bò, còn kém cả mức tiêu thụ tại Lào với hơn 8kg.
Vì vậy, nếu năm 2016, HAGL đưa ra thị trường 300.000 con bò thì cũng không đủ lượng bò đáp ứng nhu cầu. Trước nhu cầu sức mua còn tăng, nhiều DN vẫn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi bò.
Đơn cử mới đây, Công ty CP Đầu tư chăn nuôi Bình Hà đã đầu tư 3.600 tỷ đồng xúc tiến dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt với quy mô 100.000 con. Công ty TNHH Nông nghiệp Trang Trại Việt cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2018 đạt 5.000 con.
Ông Lê Chí Duy - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Sông Trà Quảng Ngãi, kinh doanh trong lĩnh vực logistics, cũng cho biết, Công ty đang triển khai dự án nuôi bò thịt với mức đầu tư khoảng 1 triệu USD tại Quảng Ngãi, quy mô ban đầu dự kiến 300 con.
Ở mảng chăn nuôi bò sữa, do ngành sữa đang hấp dẫn nên cơ hội phát triển cho ngành nguyên liệu sữa tươi trong nước vẫn rất lớn.
Theo đánh giá của Tổ chức Euromonitor International, năm 2014, doanh thu ngành sữa của Việt Nam đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 20% và năm 2015 ước đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 23% và con số này sẽ còn tăng vào nghững năm tới.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, sản lượng sữa tăng trưởng trung bình trong ba năm qua là 14%.
Tuy nhiên, lượng sữa sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu nên hằng năm Việt Nam vẫn phải chi trên 1 tỷ USD để nhập sữa các loại. Lợi nhuận từ đầu tư nuôi bò đã được các doanh nghiệp (DN) đánh giá rất lạc quan.
Ông Đức cho biết, năm 2015, HAGL đã nhập 200.000 con bò và đưa ra thị trường hơn 80.000 con bò thịt. Chỉ trong một thời gian ngắn, mảng chăn nuôi bò đã trở thành nguồn thu chủ đạo và là mảng sinh lời lớn nhất của HAGL trong năm 2015, đặc biệt, vòng vốn xoay chỉ trong 12 tháng.
Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư vào nông nghiệp thời TPP do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức vào ngày 21/11, bà Trần Hải Yến - Chuyên viên Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, cho rằng, nhờ chuyển hướng sang nuôi bò, HAGL đã đạt biên độ lợi nhuận rất lớn (30 - 40%), vượt xa các DN cùng ngành (từ 10 - 20%).
Dự kiến đàn bò của HAGL sẽ tăng mạnh từ nay đến hết năm 2017 và ổn định vào năm 2018.
Vẫn nhiều cơ hội, nếu...
Những năm gần đây, thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều, tạo sức ép lớn lên ngành chăn nuôi trong nước.
Đặc biệt, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nguồn thịt bò khá dồi dào từ Australia, Mỹ, Canada, Nhật, Pháp... sẽ đổ vào Việt Nam, càng tạo thêm sức ép cho các DN đang đầu tư vào chăn nuôi bò trong nước.
Thậm chí có nhiều nhận định, ngành chăn nuôi khó trụ vững khi cánh cửa thị trường sẽ mở, phải cạnh tranh sòng phẳng với các nước ASEAN rồi đến các nước châu Âu, tiếp nữa là các thành viên trong TPP.
Thực tế, ngành chăn nuôi tại Việt Nam vẫn hoạt động với quy mô nhỏ, manh mún, phân tán... do đó không thể có được năng suất cao và chất lượng tốt.
Đã vậy, nguồn thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam lại tiếp tục tăng. Qua tìm hiểu, hiện đã có hơn 100 DN từ EU đã được phía Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu thịt. Kế hoạch trong năm 2015, EU cũng đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên 5%.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, do bất lợi về mặt đồng cỏ, thiếu thức ăn nuôi bò, nên thịt bò ngoại lấn sân là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, Việt Nam không phải là nước có lợi thế về nuôi bò sữa do điều kiện đất đai và khí hậu không thật phù hợp.
Tuy nhiên, do khoảng trống giữa cung và cầu nên cơ hội cho các DN vẫn còn.
Hơn nữa, Việt Nam lại có một lượng phụ phẩm trong nông nghiệp khổng lồ, trong đó riêng lượng rơm đã là một lợi thế về nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc, cộng với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi bò sữa, nên tại những vùng tưởng như không thích hợp như Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh... cũng đã thành công.
Bà Trần Hải Yến nhận định, hiện nay, trong mắt các nhà đầu tư ngoại, lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn do quy mô sản xuất ở Việt Nam còn nhỏ và phân tán, nguy cơ dịch bệnh đe dọa, cơ sở hạ tầng ở nông thôn lạc hậu cùng với sự khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất lớn... Trong tổng số các dự án còn hiệu lực, đến nay, vốn FDI rót vào nông nghiệp chỉ chiếm trên 3% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký.
Số lượng các DN hoạt động thuần túy trong lĩnh vực nông nghiệp đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 20 DN, quy mô vốn hóa của cả ngành cũng khá nhỏ, khoảng 3% vốn hóa toàn thị trường. Một chuyên gia phân tích chứng khoán đưa ra con số: tỷ trọng DN đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 1%.
Vì vậy, trái ngược với nhận định của giới chuyên gia khi cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khi TPP có hiệu lực, các DN trong nước đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn lạc quan đầu tư công nghệ cao và sẵn sàng tham gia sân chơi này.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định: "Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập AEC, TPP, không còn cách nào khá, là buộc phải công nghiệp hóa nền nông nghiệp cũng như chăn nuôi".
Ông Phan Minh Thông - Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, chia sẻ: "Ngành nông nghiệp và chăn nuôi vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nếu thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, cho ra sản phẩm tốt với giá tốt thì DN Việt không lo thất thế trên sân nhà”.
Ông Ngô Minh Hải - Phó tổng giám đốc TH True Milk, thừa nhận, khi TPP có hiệu lực, ngành nông nghiệp, nhất là ngành sữa sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Cụ thể, nếu thuế quan được dỡ bỏ, ngành bò sữa phải đối mặt với 3 cường quốc nông nghiệp là Mỹ, Australia và New Zealand với thế mạnh là sản phẩm có thương hiệu, tuân thủ quy chuẩn cao, trong khi Việt Nam còn non trẻ và điều kiện quy chuẩn còn mù mờ và chưa minh bạch.
Do đó, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý và minh bạch thị trường, giúp cho ngành nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, những cường quốc về sữa không phải không có những điểm yếu.
Chẳng hạn, sữa tươi là bài toán khó với các nước như Australia, New Zealand khi họ mất thời gian, chi phí lớn để vận chuyển hàng về Việt Nam. Riêng với sữa thanh trùng, với hạn sử dụng 7 - 10 ngày thì nước ngoài chắc chắn không cạnh tranh được vì thời gian vận chuyển dài.
Các DN sản xuất sữa cũng khẳng định, nếu DN ứng dụng công nghệ tiên tiến, cải thiện điều kiện chăn nuôi và duy trì được những giống bò tốt thì năng suất sữa sẽ không thua các nước có truyền thống nuôi bò sữa.
Đại diện Công ty Sữa Vinamilk cho biết, tháng 12 tới, Vinamilk sẽ nhập 400 con bò sữa và ứng dụng công nghệ để có năng suất cao.
Hiện năng suất mỗi con bò sữa của trang trại khoảng 28 lít/ngày, nông dân nuôi bò sữa được hướng dẫn bài bản đạt khoảng 15 - 20 lít/ngày. Do đó, nông dân cần được hướng dẫn, có kiến thức tốt sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tương tự, với việc đầu tư công nghệ cao, khép kín vùng nguyên liệu, HAGL đã tiết kiệm chi phí đầu vào thức ăn khoảng 50% giá thành so với thị trường.
Ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc HAGL, cho biết, sắp tới, HAGL sẽ chuyển giao con giống và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nuôi, khi bò đạt 300 kg, Công ty sẽ thu mua về vỗ béo rồi bán ra thị trường.
Ông Sơn cũng kiến nghị: "Nuôi bò chi phí thấp nhưng tiền vận chuyển từ Tây Nguyên ra đến Hà Nội lên đến 4 triệu đồng/con (gồm phí chính thức và phi chính thức). Do vậy, Nhà nước cần đầu tư những trục đường cho phép vận chuyển tải trọng lớn, rút ngắn thời gian để giảm chi phí cho DN và tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm".